18/04/2022 05:37
Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nằm ở hạ lưu sông Mê-Kông, gồm 01 thành phố, 01 thị xã và 07 huyện, diện tích tự nhiên 2.391km2, có 65km bờ biển, dân số trên 01 triệu người, 55,6% dân số trong độ tuổi lao động (lao động qua đào tạo chiếm 68,7%); có 04 quốc lộ: Quốc lộ 53, 53B, 54 và 60, cách Thành phố Hồ Chí Minh 130km và cách thành phố Cần Thơ 100km.
Trà Vinh có thế mạnh về nông nghiệp, 02 lĩnh vực có nhiều tiềm năng: tôm sú, tôm thẻ chân trắng “chiếm lĩnh” ở vùng biển và ven biển; vùng ngọt, ngoài diện tích sản xuất lúa, cây dừa chiếm phần lớn đối với kinh tế nông hộ. Những năm qua, tỉnh tập trung nâng cao chuỗi giá trị kinh tế dừa; tuy nhiên, vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Nỗ lực nâng cao chuỗi giá trị kinh tế dừa là mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Bài 1: Nguồn nguyên liệu dừa dồi dào và phong phú
Trà Vinh là một trong những tỉnh vùng ĐBSCL có diện tích trồng dừa cao, đứng thứ 2 sau tỉnh Bến Tre. Tổng diện tích dừa đến cuối năm 2021 là 24.963ha, với hơn 6,9 triệu cây. Trong đó, diện tích dừa đang cho trái 20.943ha (chiếm 84% diện tích), năng suất bình quân 16,6 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 356.064 tấn/năm, tương đương khoảng 296 triệu trái.
Dừa trên vùng đất Trà Vinh luôn cho năng suất và sản lượng cao.
Diện tích dừa trồng, cho thu hoạch và sản lượng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh vào cuối năm 2021 được giữ vững so với các năm trước; Càng Long, 6.767/8.203ha diện tích cho trái, năng suất 17,8 tấn/ha, sản lượng 120.260 tấn/năm; Tiểu Cần, 4.073/5.549ha diện tích cho trái, năng suất 17,5 tấn/ha, sản lượng 71.426 tấn/năm; Châu Thành 3.485/3.710ha diện tích cho trái, năng suất 15,5 tấn/ha, sản lượng 53.919 tấn/năm…
Để nâng cao chuỗi giá trị kinh tế dừa, những năm qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung nhiều giải pháp, phối hợp với các tỉnh phụ cận, các doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh phát triển dừa hữu cơ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2.446ha dừa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA. Trong đó, có 260ha đạt 06 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Úc - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP, chiếm 10% diện tích dừa của tỉnh. Hầu hết các diện tích dừa đã được liên kết với các DN trong và ngoài tỉnh thu mua với mức giá cao hơn thị trường tại thời điểm từ 08 - 10%.
Đáng chú ý là diện tích dừa sáp, hiện toàn tỉnh có 497ha. Trong đó, có 14,55ha dừa sáp trồng theo phương pháp nuôi cấy phôi, 70ha dừa sáp đạt chứng nhận VietGAP. Tổng sản lượng dừa sáp đạt 2,3 triệu trái sáp/năm. Tập trung chủ yếu tại huyện Cầu Kè 487ha (8,55ha dừa sáp nuôi cấy phôi); huyện Châu Thành 7,05ha (06ha dừa sáp nuôi cấy phôi ở Hưng Mỹ, Lương Hòa); tỷ lệ sáp thường đạt từ 20 - 25% (tương đương 1,88 triệu trái sáp/năm); tỷ lệ sáp của dừa nuôi cấy phôi đạt từ 75 - 80% (tương đương 420.000 trái sáp/năm). Tỉnh đang thực hiện xây dựng nhãn hiệu độc quyền dừa sáp Cầu Kè và đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý “Trà Vinh” cho sản phẩm trái dừa sáp. Đây là cơ sở để phát triển các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của ngành hàng dừa tỉnh Trà Vinh. Đặc biệt, quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhằm đạt các sản phẩm OCOP được sản xuất từ nguyên liệu dừa sáp.
Năm qua, dù ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên lĩnh vực nông nghiệp vẫn đạt một số thành tựu nhất định: nông nghiệp đạt 17.018 tỷ đồng; lâm nghiệp đạt 240 tỷ đồng và thủy sản 10.604 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 21.709ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: sử dụng công nghệ tưới phun bán tự động 4.840ha, ứng dụng công nghệ nhà lưới và thủy canh 12,71ha, dừa hữu cơ 2.443ha, lúa hướng hữu cơ 2.821ha, rau an toàn 142ha, cây ăn trái GAP 407ha và nuôi trồng thủy sản thâm canh, siêu thâm canh 11.043ha...
Tuy nhiên, đối với dừa, mức độ chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm có giá trị tăng cao còn ít, chủ yếu bán nguyên liệu cho các DN ngoài tỉnh. Phần lớn các sản phẩm chế biến là từ vỏ và gáo dừa. Các sản phẩm từ các bộ phận khác của trái dừa (nước dừa, cơm dừa…) và hoa dừa (mật dừa) còn khiêm tốn; các sản phẩm từ thân cây dừa vẫn chưa được khai thác. Mức độ liên kết giữa các DN đầu chuỗi giá trị với các tác nhân khác trong chuỗi giá trị còn thiếu và yếu, nhận thức liên kết chưa đúng đã dẫn đến khả năng liên kết với DN chưa bền vững.
Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: để phát triển cây dừa theo hướng bền vững, Sở đang tập trung phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ gắn với các nhà máy chế biến của các DN và các thị trường mục tiêu; phát triển các vùng nguyên liệu dừa ở các địa phương tiềm năng trên địa bàn tỉnh, nhất là các vùng tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm với các DN đầu chuỗi. Đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển các vùng nguyên liệu dừa. Tiếp tục tuyển chọn các giống dừa chất lượng, sử dụng các cây đầu dòng của một số giống đã tuyển chọn, thúc đẩy phát triển các cơ sở nhân giống, phối hợp với tỉnh Bến Tre và Trường Đại học Trà Vinh để nghiên cứu, chọn lọc giống tốt, năng suất cao, phù hợp với thị trường, mục tiêu của các DN đầu chuỗi để nhân rộng, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, nghiên cứu, triển khai các biện pháp quản lý sâu bệnh hại tổng hợp trên cây dừa bằng các biện pháp sinh học như nhân nuôi và phóng thích loài ong ký sinh (Tetrastichus brontispae) trên nhộng bọ cánh cứng hại dừa; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với thuốc bảo vệ thực vật và phân bón trong sản xuất dừa theo tiêu chuẩn. Tổ chức tuyên truyền, tập huấn về quy trình kỹ thuật canh tác, thâm canh, chăm sóc dừa, nhất là việc sử dụng đồng bộ giống chuẩn, thu hoạch đúng thời điểm để đảm bảo chất lượng nước và cơm dừa, sử dụng phân vi sinh thay thế phân bón hóa học, phòng trừ sâu bệnh theo phương pháp sinh học.
Cây dừa dồi dào, một trong những cây trồng chủ lực gắn với đời sống và thu nhập của người dân Trà Vinh, tỉnh đang tìm thị trường cho trái dừa và các sản phẩm chế biến từ dừa. Với gần 25.000ha dừa được trồng, cây dừa được đánh giá là một trong những cây chủ lực của tỉnh. Hiện nay, đối với tỉnh, sản xuất dừa vẫn nhỏ lẻ, chưa tập trung, mặc dù dừa làm cho đại đa số người dân trong tỉnh có cuộc sống ổn định.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào, Trà Vinh xác định mời gọi đầu tư nâng cao chuỗi giá trị kinh tế dừa là một trong 03 lĩnh vực ưu tiên đầu tư của tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh cam kết sẽ thực hiện ưu đãi các chính sách hỗ trợ đầu tư; tạo môi trường thông thoáng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện có hiệu quả nhất; đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng để đáp ứng yêu cầu triển khai các dự án trong thời gian sớm nhất; hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.