01/08/2024 15:43
Anh Phạm Hoàng Triển (bên trái) trao đổi với cán bộ nông nghiệp xã Châu Điền về mô hình sản xuất lúa của gia đình được dự án hỗ trợ.
Đến nay, đã triển khai được 02 vụ lúa; bước đầu mang lại hiệu quả khá cao cho nông dân thông qua việc liên kết từ đầu vào (vật tư nông nghiệp, giống…) đến tiêu thụ sản phẩm; giúp nông dân tiết kiệm nhiều chi phí trong canh tác lúa. Dự án sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh được triển khai tại các xã: Phong Thạnh, Phong Phú, Châu Điền, Hòa Ân, Hòa Tân, Thạnh Phú, Thông Hòa; với tổng diện tích 402,8ha/362 hộ tham gia dự án, kinh phí hỗ trợ hơn 2,1 tỷ đồng.
Hiện trên địa bàn xã Phong Phú có tổng diện tích sản xuất lúa khoảng 1.800ha; Dự án sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh đã đầu tư vụ lúa hè - thu năm 2024 với diện tích 103ha/98 hộ tham gia.
Ngoài ra, từ dự án trên, xã Phong Thạnh cũng duy trì và phát triển mô hình sản xuất lúa cấy hàng năm từ 30 - 50ha/vụ gắn với canh tác hữu cơ để tạo nguồn sản phẩm cho các nhà máy tại địa phương xuất khẩu. Đây sẽ là cơ sở để Phong Thạnh tập trung xây dựng vùng sản xuất lúa hữu cơ ở các Ấp 1, Ấp 2, ấp Cả Chương, Cây Gòn theo Đề án “01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Trương Thanh Đệ, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè cho biết: dự án sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh đã tác động rõ nét đến tập quán sản xuất của người dân về giảm lượng giống (sử dụng từ 100 - 120kg/ha; trước đây khoảng 200kg/ha); góp phần bảo vệ sức khỏe người trồng lúa do sử dụng phân vi sinh và thuốc hữu cơ sinh học, giảm sâu bệnh… Trong khi đó, năng suất lúa vẫn đảm bảo từ bằng đến cao hơn so với cách sản xuất truyền thống trước đây; giảm chi phí canh tác nên tăng lợi nhuận từ 20 - 25%.
Còn tại xã Châu Điền, Dự án sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh đầu tư cho 69 hộ ở 05/08 ấp, với tổng diện tích 69,8ha. Các hộ được hỗ trợ 50% chi phí giống và 30% chi phí phân bón hữu cơ + thuốc chế phẩm vi sinh.
Theo anh Phạm Hoàng Triển, ấp Ô Tưng A, xã Châu Điền: gia đình có 01ha đất sản xuất lúa; trong vụ hè - thu năm 2024 được dự án hỗ trợ giống, phân hữu cơ và hướng dẫn kỹ thuật canh tác… qua đó, tạo điều kiện cho gia đình tiếp cận được quy trình canh tác theo hướng bền vững; từng bước thay đổi nhận thức của người trồng lúa trước đây thường sử dụng phân bón hóa học không kiểm soát; cứ thấy sâu bệnh thì mua thuốc hóa học về phun xịt. Nay đã khác, bản thân cũng như các hộ được dự án hỗ trợ đã xác định được những tác hại khi sử dụng quá liều về đạm (urê) hay thuốc hóa học làm đất bạt màu, sạ dày làm cho sâu bệnh phát triển…
Đồng chí Phạm Văn Kha, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: là một mô hình NTM điểm của tỉnh được chọn về phát triển kinh tế, Dự án sản xuất lúa chất lượng cao kết hợp sử dụng phân bón hữu cơ và chế phẩm vi sinh đã tác động rất lớn đến thay đổi tập quán trong canh tác lúa của nông dân huyện Cầu Kè. Từng bước hướng người nông dân dần quen với canh tác hữu cơ, tạo sản phẩm an toàn và gắn với bảo vệ môi trường, giảm phát thải thấp trong quá trình canh tác lúa…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.