15/04/2024 17:06
Thu hoạch bắp ở ấp Bào Mốt, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang. Ảnh: MỸ NHÂN
Bắp giống - cây trồng thích ứng biến đổi khí hậu
So với nhiều địa phương khác trong huyện, vùng đất giồng cát gò cao Long Sơn, Nhị Trường gặp bất lợi rất nhiều trong sản xuất cây màu do thiếu nước tưới vào mùa khô. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, trong nhưng năm gần đây cùng với sự hỗ trợ tích cực của các nhà khoa học, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, mô hình liên kết sản xuất trồng bắp giống do Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam liên kết với nông dân tạo ra hiệu ứng tích cực.
Nông dân Ngô Sen, ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường, có hơn 16 năm trồng bắp phấn khởi kể: vụ bắp giống này tôi canh tác 0,5ha (05 công) bắp giống C29 được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam đầu tư và bao tiêu sản phẩm. Năng suất đạt hơn 630kg/công. Tuy năng suất không cao nhưng bù lại giá bán được Công ty bao tiêu 15.000 đồng/kg, nên trừ chi phí lợi nhuận hơn 05 triệu đồng/công.
Sản xuất 0,3ha bắp giống C29 liền canh với nông dân Ngô Sen nhưng bắp giống nông dân Sơn Năm cho năng suất gần 700kg/công, lợi nhuận 01 công hơn 06 triệu đồng, với 03 công bắp giống thời gian canh tác 105 ngày, nông dân Sơn Năm lợi nhuận hơn 18 triệu đồng. Không riêng nông dân Ngô Sen, Sơn Năm, vụ bắp giống vụ này nông dân đều thu lợi nhuận cao.
Đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Nhị Trường cho rằng: trong các cây màu trồng trên đất Nhị Trường thì cây bắp giống chịu hạn thích ứng tốt với vùng đất gò cao trồng lúa kém hiệu quả. Vụ bắp giống năm nay, nông dân toàn xã trồng được hơn 25ha chiếm khoảng 50% diện tích toàn huyện. Điều đáng phấn khởi vụ bắp này nhiều hộ Khmer thu lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 - 02 lần so với cây lúa.
Chắc ăn… như bắp
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp, trong những năm qua huyện Cầu Ngang đã chuyển đổi hàng ngàn héc-ta diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu. Trong đó, cây bắp giống, đậu phộng, dưa hấu, bí đỏ là cây màu chủ lực mạng lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang nhận định: hàng năm diện tích trồng màu ở huyện Cầu Ngang phát triển hơn 17.500ha. Cây màu trên đất lúa, trên đất giồng cát đã góp phần tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng ngàn nông dân. Điểm đáng ghi nhận là trong khi nhiều cây màu khác đầu ra không ổn định, mô hình trồng cây bắp giống do Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam liên kết với nông dân xã Nhị Trường, Long Sơn luôn có đầu ra ổn định. Vụ bắp giống đông - xuân 2023 - 2024 năng suất trung bình đạt 08 - 10 tấn/ha/vụ, trừ chi phí nông dân lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/ha, cao gấp 1,5 - 02 lần trồng lúa.
Nông dân Kiên Chịnh, ấp Bào Mốt, xã Long Sơn trồng 0,4ha bắp giống thu hoạch 3,7 tấn bắp thương phẩm, giá bắp được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam bao tiêu đầu ra 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 28 triệu đồng (bình quân mỗi công lãi hơn 07 triệu đồng).
Ông Kim Sô Phan, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Long Sơn chia sẻ: vùng đất giồng cát và đất thịt pha cát xã Long Sơn trồng lúa vụ đông - xuân thường thiếu nước vào mùa khô, vì vậy địa phương vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng màu. Trong đó cây đậu phộng và bắp giống là cây trồng chủ lực hiệu quả kinh tế cao. Riêng cây bắp giồng khi sản xuất nông dân được Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam hỗ trợ giống, kỹ thuật, bao tiêu giá đầu ra nên trồng bắp giống nông dân an tâm… “chắc ăn như bắp” không sợ ứ hàng, rớt giá.
Mới đây, trong chuyến công tác kiểm tra thực tế sản xuất lúa, màu trước tình hình khô hạn, xâm nhập mặn diễn biến bất lợi, Bí thư Huyện ủy Thạch Thị Thu Hà và Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Ngà phấn khởi trước những kết quả sản xuất lúa, màu của nông dân xã Long Sơn, Nhị Trường. Đồng thời, yêu cầu ngành nông nghiệp và lãnh đạo địa phương phát huy kết quả đạt được, tiếp tục vận động, khuyến khích nông dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhất là cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Song song đó, kêu gọi các doanh nghiệp, các hợp tác xã trong ngoài huyện liên kết với nông dân hình hành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung đảm bảo tạo đầu ra ổn định cho nông sản, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân.
ĐÌNH CẢNH
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.