12/11/2020 08:10
Nông dân Đoàn Văn Ninh. |
Trước đây, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, vợ chồng ông Ninh phải gian nan thử thách với nhiều nghề khác nhau, nhưng cuộc sống không khá. Năm 1996, ông Ninh quyết định cùng vợ rời quê hương tỉnh Bến Tre đến Khóm 7, Phường 7 lập nghiệp và trở thành hộ khá giàu với mô hình kinh tế tổng hợp cho đến nay.
Theo ông Ninh, ban đầu ông mua 0,65ha đất lúa để cất nhà và trồng mía tạo việc làm thúc đẩy kinh tế gia đình. Những năm đầu khởi nghiệp ông đã không ít lần thất bại, do thiếu kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cộng với diện tích đất canh tác bị nhiễm phèn, nên cây mía không phát triển, thậm chí chết cây. Trải qua nhiều lần thất bại, nhưng ông không nản chí, ông tiếp tục cải tạo đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả (nhãn) làm hướng phát triển kinh tế vườn. Bên cạnh đó, ông còn xây dựng chuồng trại nuôi heo nhằm tăng thêm thu nhập. Để có được ruộng vườn rộng gần 2,1ha thực hiện mô hình trồng cây ăn quả, ông Ninh đã chịu khó cần cù lao động và khéo léo tích cóp vốn để mua thêm đất canh tác nhân rộng kinh tế vườn.
Theo ông Ninh, tuy cây nhãn có giá trị kinh tế cao, dễ tiêu thụ, nhưng thu nhập không ổn định, bởi nhãn trồng và chăm sóc cả năm cho thu hoạch 01 lần. Để tăng thêm thu nhập, vượt khó thoát nghèo vươn lên làm giàu, ông Ninh quyết định chuyển đổi sản xuất bằng cách phá bỏ những cây nhãn già cỗi năng suất kém sang trồng thử nghiệm 150 trụ thanh long ruột đỏ trên diện tích 0,1ha, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khả quan. Những năm sau, ông tiếp tục chuyển diện tích còn lại sang trồng thanh long.
Để có kiến thức về kỹ thuật trồng thanh long, ngoài tìm hiểu trên kênh thông tin đại chúng, ông còn học hỏi kinh nghiệm thực tế tại các nhà vườn và ứng dụng thành công cho đến nay. Sau 05 năm cải tạo chuyển đổi, nhờ nắm chắc kỹ thuật từ việc bón phân, chăm sóc, xử lý ra hoa, sản lượng năm sau cao hơn năm trước, khiến ông Ninh phấn khởi và càng có thêm động lực để phát triển kinh tế vườn. Hiện ông đang nghiên cứu áp dụng phương pháp trồng xen canh dừa hoặc một số cây có múi trong vườn thanh long nhằm đa dạng sản phẩm nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.
Qua những tháng năm cần cù bên đồng ruộng, vườn thanh long của ông Ninh giờ đã được phân chia thành các khu. Xung quanh những hàng thanh long, ông đào ao giữ nguồn nước tưới, nuôi cá, trồng rau nhút tạo vùng đệm để ngăn ngừa sâu bệnh và trang trải bữa ăn hàng ngày.
Ông Ninh cho biết: gần 2,1ha thanh long cho thu hoạch 10 tấn/tháng, giá bán bình quân 14.000 đồng/kg, 09 tháng đầu năm 2020, tổng thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 600 triệu đồng. Không chỉ trồng thanh long, ông còn nuôi bò vỗ béo để có lượng phân chuồng ủ làm phân bón phục vụ trồng trọt, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, sau những tán cây thanh long, ông Ninh đã cải tạo, nâng cấp chuồng trại tái đàn heo thịt với 60 con, xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, lấy khí đốt phục vụ nấu nước trong sinh hoạt.
Mô hình kinh tế tổng hợp của ông Ninh còn giải quyết việc làm 07 lao động tại địa phương tham gia chăm sóc và phun xịt thanh long, thu nhập bình quân từ 05 - 06 triệu đồng/tháng. Không chỉ phát triển kinh tế cho riêng mình, ông còn chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân quanh vùng để cùng làm giàu. Từ những nỗ lực không ngừng, gia đình ông Ninh đang vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương thứ hai và mở ra hướng phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ cho nhiều hộ dân địa phương học tập và noi theo.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.