08/09/2023 14:25
Nông dân Thạch Cham Pha, ấp Trà Kim phơi lúa giống chuẩn bị vụ mùa mới.
Điển hình như nông dân Khmer Lâm Ngọc Chiến, ấp Trà Kim, xã Thuận Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi 0,4ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây ớt chỉ thiên, khổ qua kết hợp với trồng 02ha lúa và nuôi 10 con bò sinh sản mang lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Chiến cho biết: trước đây, kinh tế gia đình chỉ canh tác độc canh cây lúa và nuôi bò sinh sản. Những năm gần đây, ông nhận thấy trồng lúa kết hợp nuôi bò cho lợi nhuận, nên ông chuyển đất kém hiệu quả sang trồng màu có nguồn thu nhập thường xuyên và ổn định. Đối với đất trồng màu, ông trồng 01 vụ ớt chỉ thiên trên diện tích 0,3ha, 03 vụ khổ qua trên 0,1ha, mỗi vụ thu hoạch được mùa được giá, lợi nhuận bình quân đạt 10 triệu đồng/0,1ha/vụ.
Đối với con bò, gần đây giá bò giảm, nên lợi nhuận không cao như những năm trước, bình quân mỗi năm xuất bán 05 con, tổng thu nhập 75 triệu đồng. Tuy giá bò hiện nay giảm mạnh nhưng được địa phương hỗ trợ, gia đình ông vẫn mạnh dạn vay vốn tín chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội 40 triệu đồng mua thêm 02 con bò sinh sản về nuôi, bước đầu bò phát triển tốt sinh sản được 01 con. Riêng cây lúa, vụ hè - thu năm nay, nông dân không chỉ được mùa được giá, so với vụ trước giá lúa đợt này tăng từ 1.700 - 2.000 đồng/kg, lợi nhuận 20 triệu đồng/ha.
Cùng suy nghĩ, nông dân Thạch Cham Pha, ngụ cùng ấp cũng áp dụng hiệu quả mô hình trồng lúa kết hợp trồng màu và nuôi bò đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Ông Pha bộc bạch: vụ lúa hè - thu đợt này nông dân nơi đây vô cùng phấn khởi, lúa được mùa được giá. Với 02ha lúa, ông trồng chủ yếu loại hạt tròn (Cửu Long) và giống siêu Hàm Trâu, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha, giá bán từ 7.800 - 8.000 đồng/kg, lợi nhuận từ 20 - 22 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch lúa, ngoài phần lúa bán cho thương lái, ông dự trữ ít lúa trong nhà để ăn cho đến vụ lúa tiếp theo và để dành lúa làm giống sạ vụ sau, nhằm giảm chi phí đầu tư khâu lúa giống cho vụ kế.
Song song đó, ông tập trung phát triển nuôi 12 con bò sinh sản, bình quân mỗi năm bán 03 con, tổng thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng, riêng năm 2023 do giá bò giảm nên ông chỉ tập trung nuôi dưỡng đàn bò chờ giá cao xuất bán. Vào mùa khô, ông trồng thâm canh 01 vụ ớt chỉ thiên trên diện tích 0,5ha nhằm tăng thu nhập trong dịp cuối năm.
Nông dân Thạch Út, ấp Thủy Hòa, xã Thuận Hòa áp dụng mô hình sản xuất bằng cách chuyển đất lúa sang nuôi tôm công nghiệp hơn 05 năm nay với lợi nhuận hàng năm từ 50 - 150 triệu đồng. Ông Út cho biết: với 01ha đất mặt nước ông đào 04 ao nuôi thả xoay vòng từ 02 - 03 đợt/năm. Những năm đầu mới chuyển đổi, do đất mới đào ao, môi trường nước thuận lợi, sản lượng tôm thu hoạch khá. Riêng vụ nuôi năm 2023, hiện còn 01 ao đang thả nuôi được 02 tháng tuổi. Ngoài diện tích nuôi tôm ông còn tận dụng đất bờ ao nuôi 04 con bò sinh sản, vừa qua ông xuất bán 03 con, tổng thu nhập 33 triệu đồng, do giá bò giảm mạnh nên lợi nhuận không cao, bình quân 05 triệu đồng/con, bỏ công chăm sóc.
Nông dân Thạch Út, ấp Thủy Hòa lắp đặt thiết bị phục vụ nuôi tôm.
Đồng chí Trần Quốc Toàn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận Hòa cho biết: Thuận Hòa là xã nông nghiệp, đời sống của người dân trong xã chủ yếu trồng lúa kết hợp trồng màu và nuôi bò. Gần đây, một số hộ dân ở những vùng gần kênh rạch chuyển đổi sang nuôi thủy sản bước đầu đạt hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, thời gian gần đây giá tôm, giá bò sụt giảm mạnh nên nông dân không mạnh dạn đầu tư nuôi tôm với quy mô lớn.
Xác định tái cơ cấu nông nghiệp là động lực phát triển kinh tế của địa phương, nên Hội Nông dân xã phối hợp với các ngành liên quan tích cực phát huy vai trò của nông dân bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng. Đồng thời, hướng dẫn nông dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất từng bước xây dựng các mô hình tiêu biểu trong trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả và nhân rộng. So với các địa phương khác, những mô hình trồng trọt và chăn nuôi trên địa bàn xã tuy không mới, không nổi bật nhưng nông dân chủ động xây dựng, áp dụng hiệu quả với điều kiện thực tế của gia đình và diện tích canh tác, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy kinh tế hộ.
Đối với nuôi bò, tuy giá giảm nhưng đàn bò phát triển tốt, bình quân mỗi hộ nuôi từ 05 - 12 con. Để giảm chi phí chăn nuôi, nông dân tận dụng phế phẩm nông nghiệp, trồng cỏ phục vụ chăn nuôi nên hộ nuôi vẫn đạt lợi nhuận. Nhờ phát huy tính năng động, sáng tạo và động lực trong hội viên, nông dân, đến nay, toàn xã không còn hội viên nông dân nghèo. Đặc biệt, vụ lúa hè - thu năm nay, người dân trong xã nói chung, hội viên nông dân nói riêng rất phấn khởi lúa được mùa, được giá.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.