02/03/2022 08:15
Ông Nguyễn Lê Tùng (trái) báo cáo tình hình sinh hoạt của ấp với cán bộ Ban Tuyên giáo xã.
Trong “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, với vai trò Bí thư Chi bộ ấp, ông Tùng quán triệt nghiêm túc từng nội dung chỉ thị, chuyên đề; chú trọng việc xây dựng kế hoạch làm theo, lựa chọn nội dung phù hợp với địa phương nhằm nâng hiệu quả trong quá trình thực hiện. Trong sinh hoạt lệ hàng tháng, Chi bộ chỉ đạo đánh giá nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của từng đảng viên, đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để có biện pháp uốn nắn phù hợp.
Ông Tùng cho biết: trong phát triển kinh tế, Chi bộ chọn mô hình nuôi trồng thủy sản là một trong những giải pháp thúc đẩy kinh tế, giảm nghèo bền vững. Để mô hình nuôi tôm phát triển phù hợp với tình hình thực tế, Chi bộ tiến hành khảo sát thực tế để lựa chọn cách làm phù hợp với từng hộ nuôi nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình thực hiện. Qua phát động mô hình, toàn ấp hiện có 160 hộ tham gia với diện tích 96ha, bình quân lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Qua đó, xuất hiện các gương điển hình tiêu biểu như: nông dân Hồ Minh Phụng, Nguyễn Hồng Duy Khương, Lê Trung Giang, Nguyễn Bá Hoàng lợi nhuận trên 200 triệu đồng/năm, góp phần tăng thu nhập ổn định cho người dân trong ấp, giải quyết việc làm, giảm nghèo. Để nâng cao chất lượng hiệu quả mô hình, thời gian tới, xã quan tâm công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nhất là quản lý chất lượng con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân trong quá trình sản xuất; đầu tư hạ tầng điện, các tuyến đường nội đồng đảm bảo cho Nhân dân sản xuất và vận chuyển hàng hóa…
Riêng ông Tùng, năm 2010, sau khi tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, ông về quê đào ao nuôi tôm. Ban đầu cha mẹ cho 0,6ha mặt nước thả nuôi tôm sú với hình thức quảng canh cải tiến, lợi nhuận hàng năm khoảng 100 triệu đồng. Đến năm 2014, phong trào nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện phát triển mạnh, ông chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp với diện tích 01ha mặt nước. Với 04 ao nuôi, ông thả nuôi 02 vụ/năm, năm đầu chuyển đổi do kinh nghiệm cũng như kỹ thuật còn hạn chế nên thất vụ 1, đến vụ 2 ông đạt lợi nhuận 120 triệu đồng. Nhờ siêng năng chịu khó học hỏi và đúc kết kinh nghiệm ở mỗi vụ nuôi nên hàng năm ông đều đạt lợi nhuận bình quân trên 100 triệu đồng.
Theo ông Tùng, nuôi tôm tuy hiệu quả kinh tế cao nhưng rủi ro nhiều, “năm ăn năm thua”, cộng thêm giá tôm biến động thất thường, vì vậy, năm 2018, ông đầu tư 01 ao nuôi thử nghiệm tôm càng xanh kết hợp với tôm thẻ chân trắng trên cùng diện tích bước đầu đem lại hiệu quả cao, lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Từ hiệu quả từ con nuôi kết hợp, ông duy trì thả nuôi cho đến nay và được người dân trong ấp học tập nhân rộng.
Ông Tùng cho biết về quy trình nuôi tôm kết hợp, ban đầu ông dành 01 ao thả nuôi 10.000 con tôm càng xanh, khoảng 20 ngày sau thả nuôi 50.000 con tôm thẻ chân trắng và 03 ao nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng. Khi tôm nuôi 2,5 tháng, ông thu hoạch tôm thẻ chân trắng, còn tôm càng xanh nuôi khoảng 3,5 tháng ông bẻ càng để tôm mau lớn, đến tháng thứ 5 hoặc thứ 6 ông bắt đầu thu hoạch tôm càng. Riêng vụ nuôi 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá tôm sụt giảm, đầu ra tôm càng khó khăn, nên ông tập trung thả nuôi 03 ao tôm thẻ chân trắng 02 vụ/năm, lợi nhuận đạt 100 triệu đồng. Đến vụ nuôi năm 2022, ông cải tạo ao hồ chuẩn bị thả nuôi 03 ao tôm thẻ chân trắng và 01 ao tôm càng xanh kết hợp tôm thẻ chân trắng với 600.000 con tôm giống. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, ông Tùng còn hỗ trợ 50 hộ dân về kỹ thuật nuôi tôm ghép cùng nhau đem lại hiệu quả.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.