02/11/2023 13:10
Vợ chồng nông dân Thạch Hùng giặm lúa.
Với suy nghĩ muốn vươn lên khá giàu, ông phải đổi mới cách làm ăn, không thể mãi độc canh cây lúa, phải phát triển kết hợp đa dạng các loại hình sản xuất nông nghiệp nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình. Từ đó, vợ chồng ông cần cù, siêng năng lao động, tiết kiệm tích lũy vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Cùng với đó, ông được địa phương hỗ trợ vốn vay 25 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua 02 con bò sinh sản.
Bên cạnh đó, ông tích cực tìm tòi học hỏi, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi để trang bị thêm kiến thức, từ đó, giúp ông có cách nhìn và cách làm mới trong canh tác giống lúa và ông mạnh dạn tăng sản xuất từ 01 vụ lên 03 vụ/năm.
Trong quá trình sản xuất, tùy thuộc vào điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng mà áp dụng phương pháp canh tác phù hợp, nhằm tăng năng suất và tăng thu nhập cho gia đình. Khi tích lũy được vốn ông đầu tư mua thêm bò để tăng đàn nuôi hoặc mua thêm đất canh tác và tận dụng tối đa sức lao động của các thành viên trong gia đình vừa lấy công làm lời, vừa tiết kiệm chi phí thuê lao động. Những lúc rãnh rỗi ông còn đi làm thuê như phun xịt lúa mướn, làm cỏ, làm rẫy cho những nông hộ lân cận nhằm tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình.
Mặc dù hiện nay ông Hùng đã sở hữu hơn 1,2ha đất trồng lúa, nhưng không dừng lại ở đó, ông tiếp tục canh tác 03 vụ lúa/năm trên diện tích 0,9ha và mạnh dạn chuyển đổi 0,3ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây màu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng vụ lúa hè - thu vừa qua, ông huy động lực lượng thành viên gia đình cùng lao động, ngoài việc thuê cơ giới cày ải, tất cả các công đoạn còn lại như xử lý đất, làm cỏ, làm bờ, dặm lúa cho đến phun xịt đều lấy công làm lời và nhờ được mùa được giá, lợi nhuận bình quân đạt 30 triệu đồng/ha. Hiện nay, ông đã xuống giống vụ lúa thu - đông và tiếp tục tận dụng sức lao động của mình để chăm sóc lúa nhằm giảm chi phí trong sản xuất.
Ông Hùng cho biết: làm ruộng nếu việc gì cũng thuê mướn thì không đạt lợi nhuận cao. Là nông dân quanh năm “bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, nên phải biết trồng cây gì và nuôi con gì để phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Điều quan trọng hơn phải thường xuyên cập nhật tin tức về giá, học hỏi kinh nghiệm, trang bị thêm kiến thức cũng như kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi áp dụng đúng mang lại hiệu quả kinh tế. Đối với 0,3ha đất chuyển đổi sang trồng màu, hàng năm ông trồng chủ yếu các loại như khổ qua, ớt chỉ thiên, đậu đũa xoay vòng liên tiếp 03 vụ/năm, lợi nhuận bình quân 10 triệu đồng/0,1ha. Có năm trồng ớt chỉ thiên được thuận mùa thuận giá, lợi nhuận tăng lên 20 triệu đồng/0,1ha. Hiện 0,2ha khổ qua và đậu đũa của gia đình đang thu hoạch, bình quân từ 80 - 120kg/ngày, giá bán dao động từ 6.000 - 10.000 đồng/kg.
Song song với chăm sóc lúa, màu, ông trồng thêm 0,1ha bí đao đang phát triển tốt và chuẩn bị cho thu hoạch. Với ông Hùng, trồng màu theo phương pháp xoay vòng vừa tăng thu nhập, vừa cải thiện đất trồng xoay vòng nhiều đợt trong năm nhằm hạn chế tình trạng “quen đất”. Đối với đàn bò nuôi, trước đây giá bò ổn định và luôn ở mức cao, nên mỗi khi bò sinh sản được con nào có vóc dáng tốt thì nuôi dưỡng để tái đàn, con nào dáng vóc kém thì vỗ béo xuất bán bình quân từ 03 - 04 con/năm.
Hai năm gần đây, giá bò biến động không ngừng, nguồn rơm rạ không chủ động kịp thời, giá rơm trên thị trường mỗi lúc một tăng, vì thế ông xuất bán bớt để giảm công chăm sóc và duy trì hiện nay còn khoảng 03 con. Nhờ siêng năng chịu khó nên gia đình ông đã vươn lên khá giả, ổn định cuộc sống với tổng thu nhập lợi nhuận từ trồng trọt và chăn nuôi 150 triệu đồng/năm.
Theo ông Hùng, nếu có quyết tâm, học tập thêm kiến thức, chịu đổi mới cách làm để thích ứng với tình hình mới sẽ vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu. Tuy gia đình đã vươn lên khá giả nhưng vợ chồng ông vẫn sống giản dị, hòa đồng với mọi người, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào do ngành đoàn thể phát động và nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm cũng như hướng dẫn cách canh tác lúa, trồng màu để mọi người cùng học hỏi và vươn lên.
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Thời gian qua, người có uy tín trong đồng bào dân tộc luôn hoàn thành tốt vai trò là cầu nối trong việc triển khai, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào Khmer. Ông Kim So ở ấp Trà Cú A, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú là một gương điển hình tiêu biểu.