08/02/2024 13:04
Ngày cận Tết nhưng vẫn rất ít khách mua hoa.
Tại Trà Vinh, thời điểm này, hầu hết giá các loại hoa đều giảm mạnh từ 20.000 - 30.000 đồng/cặp, một số loại giảm đến 50% so với cùng thời điểm năm trước. Vụ sản xuất hoa Tết này, nông dân Trà Vinh thất thu nặng nề bởi không chỉ giá bán giảm, mà năng suất cũng giảm đáng kể do thời tiết không thuận lợi; cùng với đó là thị trường tiêu thụ ế ẩm.
Tại Chợ hoa Tết Trà Vinh trên tuyến đường Phạm Thái Bường và Điện Biên Phủ, thuộc Phường 3, thành phố Trà Vinh, những ngày Tết cận kề nhưng vẫn không có nhiều người mua hoa chậu chưng Tết, mặc dù giá hoa đã giảm mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thu, ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh cho biết, vụ Tết năm nay, gia đình bà trồng 8.000 chậu các loại; nhiều nhất là vạn thọ, vạn thọ mai, vạn thọ hương, cúc đại đóa…. Những năm trước, khoảng 20 tháng Chạp là thương lái đến tận vườn lấy gần hết số lượng hoa trồng của bà để đưa đi tiêu thụ. Tuy nhiên năm nay, thương lái chỉ mua 2.000 chậu, số hoa còn lại bà phải đem ra Chợ hoa Tết để bán lẻ, nhưng thị trường tiêu thụ ế ẩm, bà Thu không biết đến bao giờ mới bán hết số hoa này để về nhà lo Tết cùng gia đình. Vụ sản xuất này xem gia đình bà trắng tay, nếu tính công lao động của các thành viên trong gia đình thì lỗ nặng.
Để thu hồi vốn đỡ phần nào hay phần nấy, khách xem hoa trả giá, giảm thêm 10.000 - 20.000 đồng/cặp bà cũng bán xả do số lượng hoa còn tồn quá nhiều, với hơn 4.000 chậu. Hiện, các loại vạn thọ, vạn thọ mai bà chỉ bán với giá 50.000 - 60.000 đồng/cặp; vạn thọ hương từ 70.000 - 80.000 đồng/cặp.
Bà Thu cho biết thêm, với thâm niên hơn 50 năm trồng hoa kiểng, chưa có năm nào nông dân lại thất thu nặng nề như năm nay. Bởi không chỉ giá thấp, tiêu thụ chậm, mà hầu hết các hộ trồng hoa cúc đại đóa ở địa phương đều bị thiệt hại do không ra hoa; nhiều hộ phải đổ bỏ hoàn toàn. Vườn hoa 8.000 chậu của bà Thu, toàn bộ cúc đại đóa 1.000 chậu bị thiệt hại phải đổ bỏ để lấy lại đất trồng cho vụ sản xuất tới. Nguyên nhân là thời tiết năm nay bất lợi khiến cúc đại đóa không ra hoa.
Khó chồng thêm khó đối với vợ chồng bà Kim Thị Phích, ấp Sa Bình, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, cũng với thâm niên 20 năm trồng hoa kiểng. Vụ sản xuất này, bà trồng gần 4.000 chậu cúc đại đóa, cúc mâm xôi và vạn thọ trên 3.000m2 đất thuê 8 triệu đồng/năm. Vì vậy, chi phí sản xuất của gia đình bà cao hơn những hộ trồng trên đất nhà. Tuy nhiên, thời tiết bất lợi khiến toàn bộ 700 chậu cúc mâm xôi, 1.700 chậu cúc đại đóa trong số 2.000 chậu bà trồng bị thiệt hại hoàn toàn do không ra hoa. Chỉ còn 1.000 chậu vạn thọ và 300 chậu cúc đại đóa, bà mang ra chợ hoa Tết để bán nhưng cũng rất khó tiêu thụ.
Theo bà Phích, những năm trước, vụ hoa Tết thường mang lại thu nhập cho gia đình bà hơn 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư khoảng 50 triệu đồng để mua cây giống, chậu, bao kiếng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… thì gia đình bà cũng thu được lợi nhuận hơn 50 triệu đồng. Tuy nhiên vụ sản xuất này, giá cả, năng suất, và thị trường tiêu thụ như vậy thì chắc chắn là thua lỗ nặng nề. Bà đang lo lắng không biết tiền đâu để đầu tư vụ sản xuất rau màu sắp tới.
Không chỉ các loại hoa chậu giảm giá mạnh, khó tiêu thụ, khu vực bán mai và cây kiểng cũng thưa thớt người mua và giá cũng giảm sâu. Tại các tuyến đường Nguyễn Thái Học, Nguyễn An Ninh, Trưng Nữ Vương, Tô Thị Huỳnh, Phan Chu Trinh, Lý Tự Trọng, Phường 1, thành phố Trà Vinh, nhiều hộ tiểu thương cũng bán xả để thu hồi vốn.
Nhiều hộ phài bán xả thu hồi vốn đỡ phần nào hay phần nấy.
Ông Phạm Văn Hưởng, xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết, đã trở thành thông lệ, hàng năm, vào dịp Tết, khoảng 23 tháng Chạp là ông mang khoảng 30 - 50 cây mai sang Trà Vinh để bán, đến ngày 27 tháng Chạp là hết. Gần 20 năm bán mai Tết tại Trà Vinh nhưng chưa có năm nào giá lại thấp và bán chậm như năm nay. Vụ Tết này, ông mang sang 30 cây mai với giá bán từ 500.000 đến 01 triệu đồng. Tuy những ngày qua ông đã giảm 30 - 50% giá bán để mong bán xong sớm về quê lo Tết cùng gia đình, nhưng đến ngày 27 tháng Chạp, ông vẫn còn hơn 10 cây chưa bán được. Vụ Tết này gia đình ông thất thu nặng nề.
Khảo sát tại các làng nghề trồng hoa kiểng ở thành phố Trà Vinh, thời điểm này, nhiều hộ vẫn còn lượng lớn hoa tại vườn chưa tiêu thụ được.
Ông Nguyễn Văn Liêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cho biết, tỉnh Trà Vinh có 02 làng nghề trồng hoa kiểng được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận vào năm 2011, là Làng nghề hoa kiểng ấp Long Bình, (Phường 4) và ấp Vĩnh Yên (xã Long Đức), thành phố Trà Vinh. 02 làng nghề này có 165 hộ sản xuất trên tổng diện tích gần 30ha, giải quyết việc làm cho gần 350 lao động. Năm nay, 02 làng nghề trồng 370.000 chậu hoa các loại như: hoa giấy, cúc, vạn thọ, thược dược, cát tường, hoa chuông, dạ yến thảo, hoa đồng tiền,… phục vụ thị trường Tết Giáp Thìn.
Để tạo điều kiện các hộ trong làng nghề có địa điểm bán hoa Tết, hàng năm UBND thành phố Trà Vinh đều bố trí, sắp xếp các địa điểm bán cho người dân. Năm nay, UBND thành phố bố trí trên 650 lô bán hoa cảnh, hoa chậu tại các Phường 1, Phường 2 và Phường 3 cho người dân làng nghề và các hộ tiểu thương kinh doanh hoa kiểng.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.