17/02/2021 13:13
Nông dân Nguyễn Văn Sang thu hoạch ngò rí bán Tết.
Ấp Đa Hòa Bắc, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành là một trong những vùng trồng thâm canh cây màu khá lớn của xã với các loại màu chủ yếu hành lá, ngò rí, xà lách, cải bẹ cùi… nông dân chỉ cần trồng từ 0,2-0,4ha màu, nếu giá bán ổn định, lợi nhuận đạt 120 - 140 triệu đồng/ha/năm. Tuy nhiên, vụ màu Tết năm nay do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19, giá rau màu các loại sụt giảm mạnh gần 50% so với thời điểm cuối năm trước, một số nông dân không thu hoạch để làm cỏ cho bò ăn cải tạo đất để trồng rau màu mới, bán sau Tết. Cụ thể giá cải bẹ cùi hiện sụt xuống còn 2.000 đồng/kg, xà lách 3.000 đồng/kg, ngò rí 10.000 đồng/kg,…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Sang là một trong những nông dân có kinh nghiệm trồng màu nhiều năm ở ấp Đa Hòa Bắc cho biết: với 0,4ha đất trồng màu hàng năm vào mùa vụ Tết, gia đình ông cung ứng thị trường Tết khoảng gần 10 tấn hoa màu các loại. Vụ màu Tết năm nay giá giảm mạnh, lợi nhuận thấp. Với gần 0,5ha cải bẹ cùi, xà lách, ngò rí hiện đang thu hoạch giá bán bấp bênh, lợi nhuận ít. Đối với cải bẹ cùi vào thời điểm này của năm trước, nếu được giá, thương lái đến thu mua 01 lần xong, ông cải tạo đất mới để trồng rau cải bán sau Tết. Còn năm nay giá cải bẹ cùi giảm mạnh chỉ 2.000 đồng/kg, thương lái thu mua lai rai vài chục ký trong ngày có khi lên đến hơn 100kg/ngày. Nhờ bỏ công làm lời nên vụ cải bẹ cùi này ông lời vài triệu đồng để đón Tết. Còn cải xà lách và ngò rí, nhờ ông chủ động xuống giống từng liếp, mỗi loại cách nhau từ 05 - 07 ngày nên thu hoạch dần, có bán mỗi ngày từ nay cho đến sau tết Nguyên đán mới kết thúc. Hiện nay, ông đang cải tạo, xử lý những liếp đất cải bẹ cùi đã thu hoạch xong để xuống cải xà lách, ngò rí và tần ô kịp xuống giống vào ngày 29 Tết để bán sau Tết hy vọng được giá hơn.
Với kinh nghiệm nhiều năm của ông Sang, vào thời điểm cận Tết, một số nông dân tập trung nguồn cung hoa màu phục vụ thị trường cuối năm, một số người dân tập trung lo ăn Tết, việc trồng rẫy dời sang năm sau mới xuống giống. Chính vì vậy, tranh thủ thời điểm này ông xử lý đất xuống giống để bán sau Tết sẽ có thu nhập khá hơn. Đối với rau cải các loại khoảng 20 - 30 ngày cho thu hoạch, nếu thời điểm cuối năm hoa màu giảm mạnh thì sau Tết rau màu sẽ tăng lên. Ông Sang cho biết thêm: tuy giá rau cải trong Tết giảm mạnh nhưng thời điểm trước Tết ông xuống giống 0,4ha hành lá, giá bán từ 20.000 - 30.000 đồng, lợi nhuận trên 100 triệu đồng, có nguồn thu nhập khá trang trải dịp Tết. Ngoài những liếp ngò rí, xà lách đang thu hoạch, ông trồng xen canh hành lá để thu hoạch nối đuôi nhau nên có thu nhập thường xuyên và ổn định.
Những năm trước, bà Thạch Chanh ngụ ấp Đa Hòa Bắc cũng có nguồn thu nhập khá vào dịp cuối năm nhờ trồng cải bẹ cùi, xà lách. Theo bà Chanh, với hơn 0,1ha đất trồng rẫy hàng năm bà trồng xen canh 03 - 04 đợt cải bẹ cùi, xà lách để bán, mỗi vụ thu nhập 04 - 05 triệu đồng. Năm nay tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nên hơn 0,1ha đất trồng rau cải các loại bà chuyển sang trồng ớt chỉ thiên để bán sau tết Nguyên đán. Với bà Chanh, trồng rau cải rất cực công chăm sóc, nhất là thời điểm thu hoạch, nhổ cải, rửa sạch giao cho thương lái, nếu thất giá người trồng không thiết tha thu hoạch bỏ cho bò ăn để xử lý đất trồng vụ mới. Với hơn 0,1ha ớt của bà đang cho trái chiến nên bà đang tích cực chăm sóc để bán sau Tết hy vọng vụ mùa bội thu, bởi hiện nay giá ớt đang giảm còn 15.000 - 19.000 đồng/kg.
Ông Trịnh Thành Hiếu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Lợi cho biết: xã có diện tích trồng màu khoảng 800ha rải rác các ấp, trong đó có 02 vùng trồng màu trọng điểm là Đa Hòa Bắc, Kênh Xáng, đặc biệt thời điểm Tết nông dân trồng 45ha màu các loại phục vụ thị trường trong và sau Tết. Riêng tổ trồng màu ở ấp Đa Hòa Bắc có 24 thành viên tham gia sản xuất gần 09ha, trong đó có 3,5ha màu sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ chủ động trong sản xuất nên nông dân nơi đây có nguồn thu nhập ổn định và thường xuyên. Hiện xã có 18 tổ hợp tác hoạt động ở các lĩnh vực, trong đó có 07 tổ trồng màu; có 02/07 tổ màu được công nhận đạt chuẩn VietGAP với 13,5ha. Thời điểm cuối năm giá nông sản giảm mạnh, nông dân thu nhập thấp, thời gian tới, Hội tiếp tục vận động nông dân tập trung trồng xen canh các loại rau màu tránh dội chợ, đồng thời vận động nông dân có đất lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng màu và cây dừa nhằm tăng vòng quay của đất và tăng thu nhập.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.