24/07/2024 07:32
Vườn dừa hữu cơ của gia đình ông Thái Văn Giàu, ấp Tân Thành Đông.
Đồng chí Võ Quang Cường, Phó Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiểu Cần cho biết: mô hình liên kết trồng dừa hữu cơ trên địa bàn huyện đã khẳng định được tính hiệu quả kinh tế cao so với trồng dừa truyền thống. Việc tiêu thụ dừa trong nông dân cũng đảm bảo ổn định giữa người trồng và đơn vị thu mua. Qua đó, từng bước thay đổi dần tập quán sản xuất truyền thống khi nông dân thường sử dụng phân hóa học… ảnh hưởng đến chất lượng đất, cây trồng và dư thừa đạm dẫn đến nhiều sâu bệnh cho cây trồng. Việc sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm sinh học trong trồng dừa hữu cơ đã giúp người trồng dừa cải tạo dần nguồn đất và giúp đất tơi xốp hơn.
Đến cuối tháng 6/2024, tổng diện tích trồng dừa hữu cơ ở huyện Tiểu Cần đạt 2.741ha/3.219 hộ; tập trung ở các xã Tân Hòa, Ngãi Hùng, Tân Hùng, Tập Ngãi và Hùng Hòa. Các công ty, doanh nghiệp tham gia triển khai dừa hữu cơ cho nông dân Tiểu Cần gồm có: Công ty Betrimex (Bến Tre); Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu; Công ty Cổ phần Trà Bắc…
Bà Nguyễn Thị Bạch, ấp Tân Thành Đông, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần chia sẻ: từ năm 2019, gia đình được công ty hỗ trợ liên kết về trồng dừa hữu cơ với diện tích gần 02ha (tương đương 450 cây). Khi áp dụng dừa hữu cơ, giai đoạn từ 01 - 02 năm đầu, năng suất trái chưa ổn định; từ năm thứ 03, năng suất dừa đạt ổn và cây dừa ít bị “treo cổ”. Sản lượng trung bình khoảng 07 - 10 trái dừa khô/cây/tháng và giá bán cũng cao hơn ngoài khoảng 05%.
Cũng theo đồng chí Võ Quang Cường, trong thực hiện chính sách hỗ trợ cho hộ tham gia trồng dừa hữu cơ, nông dân được hỗ trợ nguồn vốn cải tạo vườn dừa theo Nghị quyết số 03/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh về ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021 - 2025. Riêng trong 06 tháng đầu năm 2024, sản lượng dừa hữu cơ được tiêu thụ thông qua Hợp tác xã nông nghiệp Tân Thành; Hợp tác xã nông nghiệp Tuân Hằng và Công ty Dương Phát là 2.092 tấn dừa trái.
Ông Thái Văn Giàu, ngụ ấp Tân Thành Đông cho biết: trồng dừa hữu cơ, cái được cho nông dân là năng suất ổn định; ít bị sụt giảm, nhất là vào tháng nắng. Kích cỡ dừa trái đồng đều và phía công ty đảm bảo thu mua đúng theo cam kết; người trồng dừa còn được hỗ trợ kỹ thuật và một phần phân hữu cơ để bón dừa.
Nói về mô hình liên kết trong thu mua dừa của nông dân, anh Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã nông nghiệp Tuân Hằng, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần cho biết: nông dân trồng dừa hữu cơ trước đây không chịu tham gia vào hợp tác xã, do lo sợ sự ràng buộc về thu mua; phía đơn vị thu mua vẫn để người trồng dừa tự bán ra ngoài nếu thấy giá cao hơn. Tuy nhiên, hiện hợp tác xã được Công ty Cổ phần Chế biến dừa Á Châu giao thu mua dừa hữu cơ (có kèm danh sách hộ tham gia trồng dừa) luôn đảm bảo giá cao hơn từ 03 - 05% so với ngoài thị trường.
Hiện nay, người trồng dừa đã tự nguyện tham gia vào mô hình rất nhiều. Quy trình trồng dừa hữu cơ làm cho đất tăng độ màu mỡ, nông dân không còn sử dụng thuốc diệt cỏ dưới tán dừa; khu vực chuồng chăn nuôi, xử lý phân không còn nằm trong khu vườn dừa khi thực hiện mô hình trồng dừa hữu cơ…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.