22/11/2021 08:14
Nông dân Trì Chí Khang (trái) trao đổi về mô hình lúa - tôm càng xanh được Hội Nông dân tỉnh đầu tư.
Với giá thu mua mía nguyên liệu thời điểm đầu vụ năm 2021 là 1.100 đồng/kg (10 chữ đường), những năm qua do giá mía liên tục giảm mạnh và chi phí đầu tư tăng cao, người trồng mía ở Trà Cú ít đầu tư chăm sóc cho cây mía, từ đó làm giảm năng suất, chất lượng mía.
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: hiện nay, năng suất bình quân của mía đạt khoảng 80 tấn/ha (hàng năm năng suất đạt 95-100 tấn/ha) và chữ đường bình quân của cây mía trong vụ năm 2020-2021 khoảng 08-8,5… với các khoản chi phí đầu tư: trồng, chăm sóc, thu hoạch... khoảng 73-75 triệu đồng/ha, nhưng với năng suất - chữ đường và giá mía hiện nay thì người trồng mía thua lỗ.
Trước những khó khăn của người trồng mía ở huyện Trà Cú, những năm qua, với các nguồn vốn được Hội Nông dân tỉnh, huyện tập trung đầu tư cho nông dân chuyển đổi sang các hình thức canh tác mới, bước đầu đã đem lại hiệu quả cao cho nông dân vùng trồng mía, như mô hình trồng dừa trên đất mía, lúa - thủy sản (tôm càng xanh) trên đất mía, nuôi dê, bò… trong này, Hội Nông dân tỉnh đã đầu tư 1,5 tỷ đồng với các mô hình nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa ở xã Hàm Tân; nuôi bò kết hợp trồng cỏ, dừa xiêm trên đất mía ở xã An Quảng Hữu; nuôi dê và trồng cỏ ở xã Lưu Nghiệp Anh.
Tại xã Lưu Nghiệp Anh, vụ mía năm 2021 - 2022 diện tích xuống giống 467,3ha, giảm 186,5ha so cùng kỳ. Trong năm 2021, nông dân thực hiện chuyển đổi 71,6ha; trong đó, chuyển đổi từ đất trồng mía sang trồng lúa 8,6ha, trồng màu 26,6ha, trồng dừa 12,9ha, cây ăn trái 2,5ha, trồng cỏ 12,3ha, nuôi thủy sản 8,2ha, cây lâu năm khác 0,5ha. Để tận dụng các diện tích chuyển đổi từ đất mía sang, nhiều mô hình sản xuất mới được ngành nông nghiệp và hội nông dân triển khai đầu tư, như mô hình trồng gấc; nuôi tôm càng xanh - lúa ấp Long Thuận, Long Hưng, Lưu Cừ II, diện tích 2,7ha mặt nước; nuôi tôm càng xanh toàn đực diện tích 0,6ha các ấp Vàm, Xoài Lơ, Lưu Cừ II; các mô hình cá thát lát kết hợp sặc rằn…
Bà Sơn Thị Mỹ Trang, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tân cho biết: trước đây, địa phương có nghề trồng mía rất lâu năm, do giá mía giảm và hiệu quả mang lại không cao; nhiều diện tích mía được nông dân chuyển sang các hình thức sản xuất khác; trong này, chuyển sang trồng lúa rất nhiều. Năm 2021, địa phương được Hội Nông dân tỉnh đầu tư 500 triệu đồng cho 22 hộ để trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản (tôm càng xanh), trên diện tích 15,8ha, trong này có khoảng 35% diện tích chuyển đổi từ đất mía trong năm 2021. Đối với các hộ đã nuôi thủy sản + lúa trước đây cho hiệu quả kinh tế rất cao. Qua dự án trên, Hội Nông dân xã tiếp tục kiến nghị tỉnh, huyện đầu tư mở rộng thêm 13 hộ, diện tích 12ha.
Nông dân Trì Chí Khang, ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân chia sẻ: gia đình có 0,7ha đất trồng mía, từ năm 2019, gia đình chuyển sang trồng lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh. Từ khi chuyển sang trồng lúa (giống lúa trung mùa Nàng Đỏ), mỗi năm làm được 01 vụ lúa + 01 vụ thủy sản; đạt năng suất khoảng 06 tấn/ha với giá bán 7.000 đồng/kg. Trừ các khoảng, gia đình thu 35 - 40 triệu đồng/0,7ha/năm, nếu so với cây mía cao gấp 06 - 07 lần.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Gáo, Bí thư Chi bộ ấp Bến Bạ, xã Hàm Tân cho biết: trước đây, ấp Bến Bạ có khoảng 30ha trồng mía, từ năm 2019, diện tích mía giảm còn khoảng 02ha. Các diện tích mía được chuyển đổi sang trồng lúa trung mùa kết hợp nuôi thủy sản. Trong ấp có tới 90% là đồng bào Khmer sinh sống, qua chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các hộ đều có thu nhập cao so với cây mía, đời sống của người dân có bước phát triển rất lớn, hộ nghèo của ấp chỉ còn dưới 02%.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.