14/02/2025 05:17
Lao động nông thôn tham gia thu hoạch, vận chuyển mía từ rẫy mía ra điểm tập kết tại khu vực kênh Long Hưng, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú.
Trong những ngày đầu tháng 02/2025, chúng tôi có dịp thăm lại vùng chuyên canh mía của nông dân ở các xã Lưu Nghiệp Anh và Kim Sơn, huyện Trà Cú. Các hộ trồng mía đã bắt tay vào niên vụ mía 2025 - 2026, đối với các diện tích mía thu hoạch cuối năm 2024; hiện đang được nông dân trồng dặm. Riêng một số diện tich mía đang thu hoạch cũng được nông dân đẩy nhanh tiến độ ngâm hom để kịp xuống giống trong tháng 02/2025.
Niên vụ mía 2024 - 2025, huyện Trà Cú xuống giống được 1.232,75ha, năng suất bình quân đạt từ 105 - 110 tấn mía cây/ha; tập trung nhiều là xã Kim Sơn 515ha và Lưu Nghiệp Anh 530ha…
Với giá mía được Công ty Cổ phần Mía đường Trà Vinh thực hiện bao tiêu 1.300 đồng/kg mía cây (10 chữ đường). Ngoài ra, Công ty còn hỗ trợ chi phí khai hoang, tiền thuê đất trồng mía từ 60 - 70 triệu đồng/ha cho diện tích mía trồng mới, trồng lại. Đối với mía lưu gốc, Công ty đầu tư phân bón, tiền chăm sóc mía từ 30 - 40 triệu đồng/ha cùng với hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật từ khâu làm đất, trồng mía, chăm sóc mía, thu hoạch mía và vận chuyển mía cho nông dân khi thu hoạch… Từ đó, đã tạo điều kiện giúp người trồng mía không còn phải “chạy nóng” nguồn tiền cho chi phí sản xuất mía.
Đồng chí Trầm Quang Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú cho biết: niên vụ mía 2024 - 2025, địa phương xuống giống trên 530ha. Với giá mía của Công ty bao tiêu theo hợp đồng với nông dân và được hỗ trợ đầu tư vật tư nông nghiệp đến khi cân mía của nông dân… đã tạo thuận lợi cho người dân an tâm phát triển và duy trì diện tích mía. Dự kiến trong niên vụ mía sắp tới, địa phương sẽ tăng diện tích mía trên 20ha, tập trung ở các ấp Xoài Lơ, Lưu Cừ II… đây là các diện tích trồng mía bỏ hoang trước đây do giá mía xuống thấp và các diện tích trồng lúa không hiệu quả (được chuyển từ diện tích mía trước đây).
Bà Trần Thị Mộng, ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh cho biết: gia đình có 0,75ha đất trồng mía (trong đó, có 0,4ha đất thuê và còn lại là đất nhà), vụ mía 2024 - 2025 đạt năng suất 125 tấn/ha, khoảng 10 chữ đường; từ vụ mía 2022 - 2023 bắt đầu có thu nhập cao; riêng vụ mía 2024 - 2025 thu khoảng 65 triệu đồng/ha.
Cũng theo bà Trần Thị Mộng, hiện nay đa số người trồng mía được Công ty hỗ trợ toàn bộ chi phí sản xuất (thuốc, phân bón, giống, vận chuyển); riêng người trồng mía chỉ đầu tư phần tiền thuê nhân công; như chi phí vô chân ấm (08 triệu/ha), chân đạp (12 triệu/ha), đánh lá (02 triệu/ha) và công phun thuốc diệt cỏ, sâu bệnh… Nếu giá mía tiếp tục ổn định và giữ ở mức cao, người trồng mía sẽ phấn khởi và tiếp tục chọn cây mía để phát triển, do vùng đất trồng mía thường chịu ảnh hưởng mặn xâm nhập và triều cường, nên chỉ phù hợp cho cây mía.
Anh Kim Sơn, ấp Xa Xi, xã Ngãi Xuyên huyện Trà Cú chia sẻ: hiện nay, lao động làm trong nghề mía rất ít; trước đây giá mía giảm, người trồng thua lỗ và giá nhân công thuê cũng thấp… 03 vụ mía gần đây, các nhân công làm nghề mía như đốn mía, vác mía cũng sống được. Riêng bản thân làm nghề vác mía, cũng kiếm được trên 0,5 triệu đồng/ngày; với giá thuê vác mía từ rẫy mía ra đến điểm tập kết (ghe hoặc xe), bình quân từ 200.000 - 250.000 đồng/tấn mía cây (khoảng cách 01 - 1,2km) và 01 lao động có thể vác hơn 02 tấn mía/ngày.
Có thể nói, việc phát triển ổn định cây mía - vốn là cây trồng truyền thống của người dân ở các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh, Kim Sơn… Những năm trước đây, do giá nguyên liệu mía cây sụt giảm mạnh người trồng mía thua lỗ nặng và không còn sức hút cho người nông dân “ôm cây mía”. Từ đó, hàng ngàn héc-ta mía (thời điểm vàng son của cây mía Trà Cú đạt gần 7.000ha) được nông dân chuyển sang đào ao nuôi thủy sản; trồng lúa hoặc bỏ đất trống…
Hy vọng “vị ngọt” của cây mía tiếp tục ổn định và phát triển mạnh trong những mùa vụ tới và kéo theo nhiều dịch vụ từ nghề trồng mía, giải quyết lao động cho người dân tại địa phương.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Mùa khô năm 2025, dự báo tình hình khô hạn và nước mặn xâm nhập trên các nhánh Sông Tiền và Sông Hậu sẽ diễn biến phức tạp, có nhiều tác động đến sản xuất và sinh hoạt của người dân; đặc biệt, tại các vùng ven biển, người dân chưa chủ động được nguồn nước ngọt... Trước tình hình trên, các địa phương trong tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp về công tác trữ ngọt, ngăn mặn trong sản xuất như nạo vét kênh nội đồng, kênh trục và gia cố, tu sửa các bờ bao, cống bọng ven các tuyến sông lớn.