31/01/2021 15:33
Cánh đồng ấp Trà Cú A, xã Kim Sơn chuyển đổi từ đất mía sang mô hình lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Đồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú cho biết: niên vụ mía năm 2019-2020, nông dân xuống giống 2.478ha và dự kiến niên vụ mía 2020-2021 giảm còn khoảng 1.600ha; nguyên nhân là những năm qua giá mía đều giảm, trong khi đó các khoảng chi phí đầu tư cho cây mía tăng. Ngoài ra, từ năm 2018 đến nay, người trồng mía bị thua lỗ, nên nông dân không có đầu tư chăm sóc nhiều cho cây mía đã dẫn đến năng suất, chữ đường sụt giảm 25-30% (niên vụ mía 2016-2017, năng suất 115-120 tấn/ha, chữ đường dao động trên 10CCS; niên vụ mía 2020-2021 năng suất 85 tấn/ha, 07-08CCS). Từ đó, người trồng mía tại các địa phương đã tập trung chuyển đổi sang trồng lúa (01 vụ) kết hợp với thả nuôi thủy sản; trong đó mô hình tôm càng xanh, tôm sú trong ruộng lúa cho hiệu quả rất cao và phù hợp với nhiều vùng đất trồng mía chuyển đổi...
Năm 2020, đã có 83 hộ thả nuôi tôm càng xanh trên diện tích 31,8ha (vượt 210% so kế hoạch) với số lượng 4,2 triệu con giống và 73 hộ thả nuôi cua biển với 1,117 triệu con giống; chủ yếu thả nuôi từ đất mía chuyển đổi. Ngoài ra, huyện triển khai nguồn vốn thực hiện đầu tư mô hình cho nông dân vùng trồng mía chuyển đổi nuôi tôm càng xanh - lúa ở các xã Kim Sơn, Hàm Tân, Đại An và nuôi cá thát lát xen sặc rằn các xã An Quảng Hữu, Lưu Nghiệp Anh…
Nông dân Kim Minh Lợi, ấp Trà Cú B, xã Kim Sơn phấn khởi cho biết: gia đình có 02ha đất trồng mía và trong 03 vụ mía (từ năm 2017-2019) đều lỗ từ 20-25 triệu đồng/ha; tổng chi phí cho 01ha mía hiện khoảng 100 triệu đồng, trong khi đó giá mía cân tại nhà máy là 850 đồng/kg (chữ đường 10CSS). Năm 2020, gia đình đầu tư cải tạo rẫy mía thành ruộng lúa và đào 01 mương nước (sâu 1,5m, ngang 02m) xung quanh ruộng để vừa trữ nước vừa làm chổ trú cho tôm càng xanh. Vụ lúa thu-đông mùa gia đình sản xuất giống lúa 01 Bụi Vàng kết hợp thả 140.000 con tôm càng xanh giống; năng suất lúa dự kiến đạt 05 tấn/ha và giá thương lái thu mua tại ruộng là 7.000 đồng/kg; riêng tôm càng xanh đã qua 04 tháng thả nuôi, hiện đạt trọng lượng 25 con/kg, tỷ lệ hao hụt khoảng 30% và đến tháng 3/2021 mới thu hoạch, hứa hẹn sẽ có vụ tôm thành công.
Ông Dư Sê Tha, Công chức Nông nghiệp - Môi trường xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, cho biết: để hỗ trợ nông dân thực hiện chuyển đổi đất mía sang sản xuất lúa kết hợp nuôi thủy sản, từ nguồn vốn Khuyến nông Quốc gia đã đầu tư cho 04 hộ ở ấp Trà Cú B, Thanh Xuyên, Bãi Xào Dơi, Bãi Xào Giữa với diện tích 05ha thả nuôi 350.000 con tôm càng xanh giống; diện tích sản xuất lúa với giống trung mùa như 01 Bụi Vàng, ST 24… Nhìn chung, các mô hình nuôi tôm đều phát triển tốt, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, từ 80-100 triệu đồng. Riêng khu vực ấp Trà Cú B, bằng nguồn vốn tự có trong dân đã có khoảng 30 hộ chuyển đất mía sang trồng 01 vụ lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.