05/10/2020 01:27
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của ND xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành.
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ ND tỉnh Trà Vinh, thời gian qua, tỉnh hỗ trợ gần 4.000 hộ hội viên ND chuyển đổi và ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, với 324 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho trên 3.800 lao động nông thôn, xây dựng thành công gần 200 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả. Đến nay, nguồn vốn hiện có của Quỹ hơn 30 tỷ đồng; trong đó, vốn Trung ương ủy thác hơn 9,4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 07 tỷ đồng, ngân sách huyện 9,6 tỷ đồng và số tiền địa phương vận động trên 04 tỷ đồng.
Nhiều mô hình sản xuất theo phương thức này đã phát huy hiệu quả và được nhân rộng, giúp hàng nghìn hộ ND thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ cao của ND xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành cho lợi nhuận từ 1,2-1,8 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng bưởi da xanh chuẩn VietGAP của xã Lương Hòa, huyện Châu Thành cho lợi nhuận 200-300 triệu đồng/ha/năm; dự án trồng màu theo hướng an toàn ở xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải cho lợi nhuận trên 80 triệu đồng/ha/năm…
Để phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn thích ứng biến đổi khí hậu, Tỉnh ủy Trà Vinh đề ra nhiều giải pháp, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, các địa phương thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị sản xuất ngành hàng, ưu tiên đầu tư nghiên cứu, chọn tạo, phổ biến các giống mới, các quy trình sản xuất hiệu quả; tăng cường công nghệ tưới tiết kiệm nước... |
Xã Lương Hòa A có tỷ lệ trên 70% là người dân tộc Khmer, chủ yếu sống bằng nghề nông. Tình hình biến đổi khí hậu, hạn, mặn diễn ra ngày càng gây gắt ảnh hưởng nhiều đến sản xuất của ND. Từ thực trạng đó, Hội ND xã Lương Hòa A đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để thích ứng. Năm 2019, Hội đã thành lập Tổ hội ND nghề nghiệp trồng màu công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị và thực hiện mô hình trồng dưa lưới, trồng màu trong nhà màng, với 11 hội viên tham gia. Từ tổng số tiền đầu tư 2,35 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ ND Trung ương 01 tỷ đồng, số tiền còn lại hội viên đối ứng, Tổ triển khai xây dựng nhà màng trên diện tích 01ha.
Anh Thạch Chanh Thi, Chủ tịch Hội ND xã Lương Hòa A cho biết, đây là mô hình Tổ hội ND nghề nghiệp điểm của xã Lương Hòa A; cũng là mô hình đầu tiên Quỹ Hỗ trợ ND cho vay ưu đãi với mức tối đa 100 triệu đồng/hộ. Dưa lưới sau thời gian trồng gần 03 tháng cho thu hoạch.
Anh Thi tính toán, giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, với 1.000m2 trồng dưa lưới và màu trong nhà màng, ND đạt lợi nhuận 120-180 triệu đồng/năm, cao gấp 10 lần so với trồng lúa trước đó. Bên cạnh đó, tổ còn giải quyết việc làm ổn định cho 10-12 lao động địa phương. Từ hiệu quả của mô hình, tổ có thêm 06 hộ ND tham gia mô hình. Đến nay, Tổ hội ND nghề nghiệp xã Lương Hòa A có 17 thành viên. Mô hình thành công khẳng định việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất dưa lưới nói riêng, các nông sản nói chung là cần thiết để tạo ra nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm và tăng thu nhập cho ND trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất.
Ông Nguyễn Tường Linh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho rằng, trồng dưa lưới và màu trong nhà màng sử dụng phương pháp tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm nước. Nhà màng ngăn ngừa được côn trùng tấn công nên hạn chế sâu bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì vậy bảo vệ được môi trường. Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Tỉnh tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp lớn, các hợp tác xã hoặc trang trại có quy mô, nguồn lực mạnh đầu tư lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Các đơn vị liên quan hỗ trợ ND xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn khoa học và công nghệ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.