20/12/2022 10:28
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, ấp Định An, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải có 02 ao nuôi tôm, tổng diện tích 3.200m2. Hơn 04 năm qua, ông nuôi tôm thẻ công nghệ cao, đầu tư vật chất và trang bị kỹ thuật nuôi khá hoàn thiện, quy trình nuôi khoa học nên đều đạt lợi nhuận sau mỗi vụ nuôi.
Ông Phúc chia sẻ: với hình thức nuôi “gối đầu” và được đầu tư cơ bản đầy đủ thiết bị phục vụ tôm nuôi, chưa vụ nuôi nào thất bại, năm đạt lợi nhuận cao nhất là hơn 1,4 tỷ đồng. Nuôi tôm công nghệ cao cần chạy quạt liên tục để tạo ô-xy cho tôm. Trước đây, tôi cũng như một số hộ nuôi tôm tại địa phương đều để cánh quạt gắn cố định trên thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa (đối với dàn quạt cắm cọc trên ao đất) hoặc các tấm ván khoét lỗ (đối với dàn quạt sử dụng phao nổi). Với các thiết bị này, khi hoạt động, cánh quạt sẽ có độ ma sát rất lớn, độ ma sát càng tăng sẽ làm tăng nhiệt độ động cơ. Từ đó, gây tổn thất trong động cơ vì sử dụng mô-tưa công suất lớn gây hao phí điện năng… Do đó, tìm ra giải pháp tiết kiệm điện là một trong những yều cầu quan trong quá trình nuôi tôm, nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Khu nuôi tôm của ông Nguyễn Hoàng Phúc.
Ông Phúc thường xuyên tham gia các cuộc tập huấn, học hỏi kinh nghiệm và tìm giải pháp nhằm giảm chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận kinh tế. Từ năm 2019 đến nay, ông được nhân viên điện lực tư vấn, hỗ trợ và áp dụng thành công phương pháp cải tiến dàn quạt ô-xy tiết kiệm điện trong quá trình nuôi. Từ đó, tiết kiệm điện tiêu thụ của động cơ và tăng thời gian sử dụng dàn quạt, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, Duyên Hải là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi khô hạn, mặn xâm nhập. Để hạn chế thiệt hại từ những tác động này, Hội Nông dân huyện Duyên Hải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Nhờ vậy, nhiều nông dân trong huyện đã và đang xây dựng các mô hình canh tác phù hợp vừa thích ứng biến đổi khí hậu, vừa gắn với chuỗi giá trị trong liên kết tiêu thụ sản phẩm, không những làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Là một trong những thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, gia đình anh Thạch Ri, ngụ ấp Thốt Lốt chuyên trồng màu từ năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, do điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn về thời tiết cũng như nguồn nước tưới nên anh đã dần học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất, không tiếp tục trồng theo kiểu truyền thống mà chuyển sang đầu tư làm nhà lưới để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Anh Thạch Ri chia sẻ: từ khi chuyển sang trồng trong nhà lưới, tôi chủ động hơn về mùa vụ, tiết kiệm nước tưới và hạn chế chi phí về phòng trừ sâu bệnh gây hại. So với trồng thông thường như trước kia thì trồng màu trong nhà lưới năng suất cao hơn gần 1,5 lần. Đặc biệt cách làm này hạn chế tình trạng dập lá trong mùa mưa và rau màu cũng ít sâu bệnh, nhẹ công chăm sóc.
Từ khi chuyển sang trồng trong nhà lưới, các sản phẩm nông sản do anh Thạch Ri trồng cũng có đầu ra ổn định hơn do sản xuất an toàn, được liên kết tiêu thụ. Hiện anh đang sản xuất rau màu với diện tích gần 02ha, trong đó nhà lưới ươm cây giống có diện tích trên 0,7ha. Hàng năm, cơ sở sản xuất rau màu của anh Thạch Ri cung ứng ra thị trường khoảng 2,5 triệu cây giống các loại. Hơn nữa, cơ sở của anh cũng đang góp phần giải quyết việc làm cho 15 lao động địa phương và đang tiếp tục được anh đầu tư mở rộng để nâng cao chất lượng sản xuất, đa dạng cây con giống.
Quan tâm ứng dụng công nghệ vào sản xuất là một trong những yếu tố quyết định sự thành công, tạo lợi nhuận cao cho nông dân, góp phần thiết thực trong XDNTM và đảm bảo an sinh xã hội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể trong tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, phục vụ thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Bài, ảnh: NX - MT
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.