19/11/2023 15:08
Những năm qua, do ảnh hưởng môi trường và dịch bệnh đã tác động đến nghề nuôi tôm của nông dân trên địa bàn xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ năm 2018, qua các hộ nuôi thử nghiệm cá bông lau trong ao tôm đã mang lại hiệu quả kinh tế, đến nay, cá bông lau đã dần phát triển mạnh ở xã Long Vĩnh và đạt lợi nhuận từ 55 - 60% so với chi phí đầu tư.
Nông dân xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải thu hoạch cá bông lau.
Nông dân Nguyễn Thái Hồ, ấp Vàm Rạch Cỏ, xã Long Vĩnh; là người nuôi cá bông lau đầu tiên của địa phương, chia sẻ: năm 2018, gia đình nuôi tôm sú thường xuyên thua lỗ; thời điểm này cá bông lau giống ngoài tự nhiên khá nhiều, nên mua đem về nuôi thử vài ngàn con cá bông lau giống tự nhiên. Hiệu quả mang lại khá cao, những năm đầu giá con giống chỉ khoảng 10.000 - 12.000 đồng/con (kích cỡ khoảng 03cm). Trong vụ cá năm 2022 - 2023, gia đình thả nuôi khoảng 7.000 con cá giống, với 02 ao/1.400m2; giá bán khoảng 125.000 - 130.000 đồng/kg cá, trừ chi phí, người nuôi lợi nhuận trên 60.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi cá bông lau của nông dân xã Long Vĩnh mang lại hiệu quả rất cao, tuy nhiên do nguồn cá giống chủ yếu bắt ngoài tự nhiên (chưa lai tạo được cá nhân tạo) và giá cá giống ngày càng tăng cao do nhu cầu nuôi cá bông lau của nông dân phát triển và mở rộng.
Theo đồng chí Sơn Sô Phiếp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Vĩnh: hiện toàn xã có có 36 hộ trên địa bàn 07 ấp (Xẻo Bọng, Cái Cỏ, La Ghi, Vàm Rạch Cỏ, Kinh Đào, Cái Cối, Giồng Bàn) đã chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá, với 45 ao/12,69ha và lượng cá giống thả nuôi dao động 220.000 - 250.000 con. Do chi phí đầu tư nuôi cá bông lau khá lớn, nên các hộ nuôi cá thường có điều kiện và vốn lưu động khá lớn và thời gian nuôi kéo dài (từ 14 - 15 tháng mới thu hoạch, cá đạt trọng lượng trung bình 1,8 - 2,1kg/con).
Ông Lâm Văn Binh, hội viên nông dân ấp Giồng Bàn, xã Long Vĩnh chia sẻ: do thời gian nuôi cá bông lau khá dài và giá con giống khá cao, nên chi phí để nuôi cá bông lau phải đầu tư trên 100 triệu đồng để thả nuôi khoảng 5.000 con cá giống; trung bình hệ số thức ăn dao động 2.0 - 2.2/01kg cá thương phẩm và gia đình thường thu hoạch cá khi đạt trọng lượng từ 1,1-1,2kg/con (sau thời gian 09 - 10 tháng nuôi). Vụ cá năm 2022 - 2023, gia đình thả nuôi 9.000 con cá giống/1.500m2, sau khi trừ chi phí còn lời trên 360 triệu đồng.
Với đặc điểm nuôi cá bông lau, người nuôi hạn chế thấp nhất và gần như không sử dụng thuốc, hóa chất trong suốt quá trình nuôi cá; quá trình nuôi cá bông lau ít gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Đây là đối tượng nuôi được đánh giá triển vọng và là điểm sáng trong phát triển kinh tế của địa phương.
Cũng theo đồng chí Sơn Sô Phiếp, để nhân rộng và tạo điều kiện cho nông dân phát triển nghề nuôi cá bông lau, Hội Nông dân xã Long Vĩnh đã xây dựng dự án và được phê duyệt từ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội Nông dân tỉnh đầu tư cho 07 hộ nuôi cá/tổng vốn 700 triệu đồng/diện tích gần 03ha.
Song song đó, Hội còn xây dựng 03 tổ hợp tác nuôi cá bông lau ở các ấp: Giồng Bàn, Cái Cối và Xẻo Bọng. Về phía Hội cũng mong muốn tỉnh, huyện tiếp tục mở rộng nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho nông dân nuôi cá bông lau, hiện nay, có khoảng 10 hộ đang đăng ký xin thực hiện dự án về mô hình nuôi cá bông lau.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.