28/08/2020 11:42
Ông Nguyễn Văn Ra Đô, công chức Nông nghiệp xã Nhị Long Phú thăm vườn gấc của ông Nguyễn Thanh Tâm, ấp Hiệp Phú. |
Qua tìm hiểu với một số nông dân xã Nhị Long Phú, gấc không kén đất, trồng ở đâu cũng sống. Nhưng để có năng suất cao nên chọn đất phù sa, thoát nước. Cuốc xới để ủ nơi định trồng với khoảnh đất khoảng 01m2, sâu từ 40 - 60cm. Trộn từ 20 - 30kg phân chuồng, hoặc ủ với đất mịn/hố. Bón lót từ 0,5 - 0,6kg super lân hoặc apatit, từ 30 - 50gram Furadan 03H hoặc Basudin 10H để ngừa sâu bọ phá hại rễ, cần bón vôi từ 0,3 gram đến 01kg vôi/hố nếu đất quá chua. Vôi trộn đều với đất ở đáy hố trước khi bón phân hữu cơ.
Đối với xã Nhị Long Phú, huyện Càng Long, để không ngừng phát triển diện tích gấc trong nông dân như hiện nay là quá trình vận động, tạo mô hình hiệu quả, giúp nông dân “mắt thấy, tai nghe” để làm theo. Và, đến nay đã có hơn 50 hộ có trồng gấc, với hơn 30ha.
Theo ông Nguyễn Văn Nghiệp, công chức Nông nghiệp, phụ trách nông thôn mới xã Nhị Long Phú, đó là kết quả qua vận động người dân. Lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn, do gấc là cây trồng mới, đầu ra không ổn định. Tuy nhiên, sau khi một số hộ tiên phong trồng gấc, thu nhập ổn định, nên diện tích phát triển nhanh. Điển hình như hộ ông Nguyễn Thanh Tâm, ấp Hiệp Phú thu nhập từ gấc hơn 50 triệu đồng/0,3ha/năm.
Qua tìm hiểu, khi triển khai vận động người dân trồng thử nghiệm cây gấc, ai cũng xa lạ với giống cây trồng này nên về mặt kỹ thuật cũng như cách chăm sóc không phù hợp khiến năng suất chưa đạt như mong muốn. Nhưng, sau thời gian trồng, nếu nói về hiệu quả kinh tế, so với nhiều loại cây trồng khác mà nông dân đã từng trồng trên cùng diện tích đất trồng lúa, chuối… thì chưa bao giờ có được khoản thu và lợi nhuận như trồng cây gấc.
Theo ông Nguyễn Văn Nghiệp - người được xã phân công theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ nông dân trồng gấc trên địa bàn, mỗi mùa thu hoạch, bình quân mỗi gốc gấc cho 30-35 trái, mỗi trái có trọng lượng 01-1,5kg, nếu giá được bình ổn như hiện nay thì 01 gốc gấc cho thu nhập 03-04 triệu đồng/vụ. Trong khi đó, vốn đầu tư trồng gấc ban đầu rất ít, chủ yếu là làm giàn để gấc leo. Tuy nhiên, để nhẹ vốn đầu tư có thể tận dụng cọc tre, sau đó dùng dây chì hay lưới thả giàn.
Ông Nghiệp cho biết thêm, gấc là loại cây bán hoang dại, chu kỳ thu hoạch trái thường kéo dài gần 05 tháng/năm. Những vụ đầu thu hoạch, sản lượng gấc trái không nhiều, nhưng đến khi dây gấc càng lớn, bò càng dài, chia ra càng nhiều nhánh thì số lượng gấc trái càng tăng. Vì vậy, việc làm giàn cho gấc leo là rất cần thiết. Ngoài năng suất cao hơn, trồng thả giàn còn giữ cho trái không bị úng thối như cách trồng thả lan trên mặt đất thông thường.
Theo một số nông dân ở xã Nhị Long Phú, trồng gấc không khó, cũng như trồng mướp, trồng bầu. Khi mới bắt đầu xuống giống, cũng đào lỗ hoặc rãnh trên nền đất liếp để trồng. Khi gấc lớn, phải thả giàn cho dây bò lan thì trái mới nhiều. Từ trồng đến thu hoạch trái chỉ 100-120 ngày. Nếu được chăm sóc tốt, không bị ngập úng, sâu bệnh gây hại thì khả năng kéo dài thời gian thu hoạch trái đến 10 năm.
Ông Nguyễn Văn Nghiệp thông tin: hiện nay, nông dân không lo về đầu ra, vì có doanh nghiệp bao tiêu giá 8.000 đồng/kg. Nhưng nông dân rất phấn khởi, có thời điểm bán đến 15.000 đồng/kg, doanh nghiệp cho xe đến tận nơi để mua. Trước đây, gấc chỉ được xem như thứ gia vị, dân gian thường sử dụng làm các món ăn truyền thống dân dã như xôi gấc, bánh, kẹo… nên ít người trồng lẫn người mua. Hiện nay, trái gấc đã được sử dụng trong công nghiệp dược phẩm, chiết xuất dầu gấc, các sản phẩm dầu gấc của Việt Nam đã có thương hiệu, được xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới, nên thời điểm hiện tại, nông dân Nhị Long Phú an tâm đầu ra.
Theo ông Nguyễn Văn Ra Đô, thông qua sinh hoạt đoàn thể, cán bộ chuyên môn của xã vận động và hướng dẫn nông dân về kỹ thuật trồng gấc. Hiện nay, nông dân trên địa bàn xã chọn giống trồng theo 02 hình thức, có thể trồng bằng hạt hoặc trồng băng hom, nhưng phổ biến là bằng hom. Do trồng bằng hạt, thường cho cả dây đực và cả dây cái, nhưng chỉ dây cái mới có quả, nên trồng bằng hom là phổ biến. Chọn giống bằng hom với phương pháp nhân giống vô tính bằng cách giâm, chọn những cây mẹ sai quả, quả to, chín đẹp làm cây lấy hom giống. Chọn dây gấc khỏe, cắt thành từng đoạn dài 30 - 40cm, mỗi hom cần có từ 02 - 03 đốt trở lên, cắt hom bằng cả 02 đầu, bôi vôi hai đầu, đem giâm xuống đất ẩm; đầu gốc cắm sâu xuống đất khoảng 10 - 15cm, đặt nằm nghiêng và lấy tay nén quanh gốc cho chặt. Cũng có thể giâm hom trong bầu, túi ni-lon, đất bột trộn với lượng nhỏ phân chuồng ủ mục và mùn dừa để tăng độ xốp. Mỗi bầu có thể giâm 03 hom gấc. Bầu đặt nơi có bóng mát hoặc có mái che. Bảo đảm đủ nước tưới thường xuyên, giữ ẩm và che bớt nắng trong thời gian ban đầu cũng như chỗ đất giâm cành cần thoát nước, khoảng 02 - 03 tuần chồi sẽ mọc, đem trồng ở hố đã chuẩn bị sẵn.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.