24/07/2023 07:23
Nông dân xã Tập Ngãi, huyện Tiểu Cần thu hoạch lúa. Ảnh: BÁ THI
Kết quả đạt được
Là tỉnh đồng bằng ven biển, đa dạng trong sản xuất (trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng, khai thác thủy hải sản…). Trong hơn 02 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành nông nghiệp Trà Vinh đã nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân mở rộng phát triển sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thông qua chuyển đổi cơ cấu trong sản xuất đã cơ bản hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung...
Nhờ đó, kinh tế nông nghiệp đã đạt một số kết quả quan trọng như: sản xuất nông nghiệp chuyển đổi theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với cơ chế thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu và chuyển đổi mạnh từ các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế cao… kết quả đạt được, đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân toàn tỉnh.
Đồng chí Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: trong nửa nhiệm kỳ qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng; chuyển đổi mạnh từ các loại cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành 02 năm rưỡi 72.441 tỷ đồng, đạt 45,36% kế hoạch (2021 - 2025); tốc độ tăng trưởng bình quân nửa nhiệm kỳ Đại hội đạt 3,52%/năm, chiếm gần 31% GRDP toàn tỉnh.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và tăng tỷ trọng thủy sản. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng nông nghiệp - nông thôn được tăng cường và phát triển nhất là thủy lợi, các công trình cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn. Hệ thống các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất trên toàn tỉnh được đầu tư nâng cấp với các công trình trọng điểm như: cống Bông Bót, Tân Dinh, Trạm bơm Kênh 3 tháng 2…
Nông dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè chuyển đổi sản xuất trên đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa kết hợp xen canh màu.
Giá trị sản xuất trên 01ha đất canh tác không ngừng tăng, góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt khoảng 53 triệu đồng/năm, tăng 12 triệu đồng/năm so với năm 2020; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 62%, tăng 05% so với năm 2020. Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt trên 25%; tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, thủy sản ứng dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất tốt (GAP) đạt trên 10%. Xây dựng, duy trì 60 nhãn hiệu nông sản, được cấp 23 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và 21 mã số vùng trồng nội địa; đến nay, toàn tỉnh có 184 sản phẩm OCOP (trong đó có 03 sản phẩm đạt OCOP 05 sao); các mô hình sản xuất có hiệu quả và mô hình hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được nhân rộng... Đến nay, toàn tỉnh có 85/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 100%; 08/09 đơn vị hành chính cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. |
Những giải pháp trong thời gian tới
Nhằm phát huy những kết quả đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại hạn chế, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “Tập trung tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, khả năng cạnh tranh trên thị trường”…
Đến năm 2025, phấn đấu trong lĩnh vực trồng trọt: tăng giá trị sản xuất đạt 3,23%/năm; giá trị sản phẩm thu được bình quân 01ha đất trồng trọt đạt 148 triệu đồng/ha (ước đến cuối năm 2023 đạt khoảng 145 triệu đồng/năm, tăng 06 triệu đồng/ha so với năm 2020).
Chăn nuôi, tăng giá trị sản xuất trên 06%/năm. Từng bước chuyển từ nuôi nhỏ lẻ, phân tán kém hiệu quả sang nuôi trang trại, gia trại; phát triển nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.
Thủy sản, tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 4,5%/năm trở lên; giá trị sản phẩm thu bình quân trên đất nuôi thủy sản đạt 450 triệu đồng/ha (ước giá trị sản xuất nuôi thủy sản đạt khoảng 400 triệu đồng/ha/năm 2023, tăng hơn 97 triệu đồng so với năm 2020). Trong này, cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng lên khoảng 89%, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác còn khoảng 11%.
Lâm nghiệp, trồng mới 149ha rừng tập trung, 300.000 cây lâm nghiệp phân tán, nâng tỷ lệ che phủ đạt 4,2% diện tích tự nhiên…
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở huyện Duyên Hải.
Cũng theo đồng chí Trần Trường Giang, để hoàn thành kế hoạch 05 năm trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế và tập trung vào một số sản phẩm chủ lực theo hướng cơ chế thị trường, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra các giải pháp, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt để nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận cao trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, cạnh tranh thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục quán triệt thực hiện có hiệu quả Kết luận số 180-KL/TU, ngày 24/6/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục phát triển toàn diện nông nghiệp, nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu; Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đến năm 2030; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Chương trình số 13-CTr/TU ngày 26/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển kinh tế nông nghiệp đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn đến 2050.
Hai là, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại ngành nông nghiệp phù hợp với từng tiểu vùng; từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa quy mô lớn theo nhu cầu thị trường. Tăng cường hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất thông qua nâng cao năng lực và vai trò của các tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác... Đẩy mạnh tổ chức sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo liên kết chuỗi giá trị; chú trọng xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và quản lý tốt chất lượng các sản phẩm nông sản thế mạnh; xây dựng, thực hiện Chương trình thu hút đầu tư phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, thủy sản và hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác.
Ba là, đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu với sự tham gia với các viện, trường, các tổ chức, cá nhân để chọn tạo, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, thích nghi với hạn mặn, giá trị thương mại cao, tạo đột phá về năng suất, chất lượng và giá trị. Rà soát diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn, phát triển tối đa diện tích nuôi thủy sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đẩy mạnh khai thác thủy sản xa bờ, định hướng phát triển nghề nuôi biển gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi và chống khai thác bất hợp pháp IUU. Đầu tư nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão; tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá, tàu cá trên biển…
Bốn là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tạo thuận lợi thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản nông, thủy sản áp dụng công nghệ tiên tiến, quy mô phù hợp vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, vừa tiêu thụ kịp thời nông sản cho nông dân; khuyến khích, hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ cao.
Tiếp tục tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng các dịch vụ nông nghiệp. Triển khai thực hiện các dự án, công trình thích ứng với biến đổi khí hậu, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất, phát huy hiệu quả các cống đập đầu mối, hồ chứa, trạm bơm và hệ thống thủy lợi hiện có để điều tiết mặn, ngọt.
Năm là, tăng cường chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực Nông nghiệp góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tham mưu xây dựng, triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển toàn diện nông nghiệp; kịp thời cụ thể hóa, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh đầu tư vào nông nghiệp nông thôn…
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.