25/08/2022 12:45
Qua hơn 03 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), 07 năm triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp đã nỗ lực xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực, hướng tới mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm được xem là một nhiệm vụ trọng tâm trong khuôn khổ chương trình XDNTM của tỉnh, chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, nhất là đối với các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương. Đây cũng là cơ hội để các chủ thể, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và công ty phát triển các giá trị sản phẩm, tạo được thương hiệu, cũng như nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần xây dựng thành công NTM ở từng địa phương.
Qua 03 năm thực hiện, các địa phương đã tạo ra một lượng hàng hóa đáng kể, sản phẩm ngày càng đa dạng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Năm 2021, toàn tỉnh có 28 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, cụ thể, huyện Cầu Kè có 04 sản phẩm, huyện Trà Cú có 07 sản phẩm, thị xã Duyên Hải có 01 sản phẩm, huyện Tiểu Cần có 02 sản phẩm, huyện Càng Long có 06 sản phẩm, huyện Duyên Hải có 01 sản phẩm, huyện Châu Thành có 01 sản phẩm, thành phố Trà Vinh có 06 sản phẩm.
Đến nay, toàn tỉnh có 80 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Trong đó, 05 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 09 sản phẩm đạt 4 sao; 66 sản phẩm 3 sao của 49 chủ thể, gồm: 08 HTX, 09 công ty, 02 doanh nghiệp và 30 hộ kinh doanh; hỗ trợ 83 nhãn hiệu độc quyền, 19 nhãn hiệu tập thể, 04 nhãn hiệu sáng chế, giải pháp hữu ích, 01 nhãn hiệu quốc tế, 02 kiểu dáng công nghiệp quốc tế.
Anh Trầm Minh Thuần (thứ hai, từ trái qua) nhận chứng nhận sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao tặng. Ảnh: HTX cung cấp.
HTX nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú được thành lập năm 2018, với 72 thành viên, HTX thực hiện liên kết xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng là thương hiệu gạo đầu tiên của tỉnh, cung ứng lúa giống chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm, liên kết đầu ra, hỗ trợ kỹ thuật canh tác cho xã viên. HTX từng bước phát huy ứng dụng đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm thường xuyên cho lao động địa phương, từng bước nâng cao nhận thức, tăng thu nhập cho nông dân trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Nỗ lực qua 04 năm thành lập, HTX nông nghiệp Long Hiệp có 01 sản phẩm OCOP đạt 4 sao là Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng) và 05 sản phẩm đạt 3 sao gồm Gạo Long Hiệp (Gió đồng nội), Gạo Trà Cú (Gạo gia đình), Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Tím); Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Vàng); Gạo Long Hiệp (Hạt Ngọc Rồng Đỏ).
Đặc biệt, HTX xây dựng được thương hiệu gạo Hạt Ngọc Rồng có mặt trên tất cả sàn thương mại điện tử, có cửa hàng kinh doanh trên 20 tỉnh, thành và đạt nhiều giải thưởng danh giá về gạo ngon. Đồng thời, HTX còn đạt nhiều tiêu chí như chứng nhận ISO 22000, 5S, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, làm tăng giá trị hạt gạo quê hương gấp 04 lần so với gạo thông thường.
Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp cho biết: để có được kết quả này, chúng tôi đã nỗ lực nâng hạn sản phẩm của mình qua từng năm bằng cách quan tâm chất lượng, làm ra sản phẩm sạch, giống lúa mới, năng suất cao. Mục tiêu của HTX là tạo ra gạo sạch, an toàn cho tỉnh Trà Vinh, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng sản phẩm gạo thuần chất tự nhiên. Cách làm này đảm bảo 03 tiêu chí không phân bón, không thuốc hóa học và không tồn dư kim loại nặng… HTX cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng). Đồng thời, không ngừng cải thiện, tìm kiếm các giải pháp mới phát triển hiệu quả để trở thành 01 trong những HTX dẫn đầu về sản xuất gạo hữu cơ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Thực tế thấy, HTX nông nghiệp Long Hiệp là một trong những đơn vị tiêu biểu có nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao trở lên. Tuy nhiên, thời gian qua, việc phát triển OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu trên địa bàn tỉnh vẫn hạn chế, như: số lượng sản phẩm đạt OCOP còn ít so với tiềm năng, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng thị trường lớn và nhu cầu cho xuất khẩu, nhãn hiệu được xây dựng nhưng việc quảng bá sản phẩm trở thành thương hiệu chưa được thực hiện tốt, còn nhiều địa phương tuy có sản phẩm chất lượng nhưng chưa được chứng nhận OCOP. Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp, mẫu mã bao bì sản phẩm đơn giản, chưa phong phú, hấp dẫn; nhiều sản phẩm chưa xây dựng tem truy xuất nguồn gốc...
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo hướng bền vững, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh sản phẩm hàng hóa của tỉnh, tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống Nhân dân, ngày 13/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng Đoàn, chính quyền, đoàn thể quán triệt nghiêm các chủ trương về thực hiện chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong XDNTM gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo chuỗi giá trị, là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Tập trung xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm đạt OCOP, có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; chú trọng đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ.
Song song đó, tăng cường liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cấp hộ gia đình, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp vùng phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương gắn với giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh quê hương, con người Trà Vinh. Hỗ trợ tư vấn tạo lập, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng công cụ cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm; thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP nhằm tạo ý thức và thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm OCOP một cách rộng rãi. Vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
SƠN TUYỀN
Thực hiện phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp do các cấp Đoàn phát động, thời gian qua đã thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên trên địa bàn huyện Cầu Kè hưởng ứng tích cực, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình của đoàn viên, thanh niên làm ăn có hiệu quả, đem lại thu nhập kinh tế gia đình ổn định. Anh Nguyễn Đăng Khoa, ở ấp Hội An, xã Hòa Tân là một trong những tấm gương thanh niên tiêu biểu như thế.