02/02/2025 19:05
Ông Nguyễn Quốc Anh, ấp La Ghi, xã Long Vĩnh thu tỉa tôm nuôi trong mô hình tôm- rừng của gia đình.
Lợi ích của mô hình tôm - rừng
Nuôi tôm kết hợp trồng rừng mang lại nhiều lợi ích cho nông dân, trong đó phải kể đến là chi phí đầu tư thấp. Để có mô hình tôm - rừng, trước tiên người nuôi tôm cần cải tạo ao hồ, đắp bờ bao, xây dựng hệ thống cống điều tiết nước. Một yếu tố rất quan trọng trong mô hình tôm - rừng chính là có tỷ lệ diện tích rừng phù hợp so với tổng diện tích ao nuôi, theo khuyến cáo tỷ lệ rừng che phủ khoảng từ 30 - 40% so với tổng diện tích ao nuôi.
Một số hộ tận dụng diện tích rừng sẵn có, một số hộ trồng thêm các loại cây rừng như đước, bần, dừa nước… Tán rừng có tác dụng che chắn giúp ổn định nhiệt độ, giúp tôm nuôi phát triển tốt. Ngoài ra, dưới tán rừng còn là nơi trú ngụ của tôm nuôi và các loài thủy sản khác, đó cũng là nguồn thức ăn tự nhiên cho tôm, cua nuôi trong mô hình.
Một lợi ích khác của mô hình tôm - rừng chính là vốn đầu tư ban đầu ít do mật độ thả thưa. Không chỉ vậy, tôm, cua nuôi trong mô hình còn tự tìm nguồn thức ăn dưới tán rừng nên người nuôi không phải tốn chi phí thức ăn. Các loại thủy sản nuôi trong mô hình không cần sử dụng các chế phẩm sinh học nên hạn chế ô nhiễm môi trường, phát triển khỏe mạnh, không bị tác động bởi các yếu tố bất lợi của thời tiết.
Ông Nguyễn Quốc Anh, ấp La Ghi, xã Long Vĩnh có 4,4ha đất nuôi thủy sản, ông đắp bờ bao, xây dựng hệ thống cống điều tiết nước, trồng các loại cây ngập mặn như đước, dừa nước, bần với tỷ lệ che phủ khoảng 35% diện tích. Hàng năm, ông Nguyễn Quốc Anh thả số lượng hợp lý con giống tôm sú, thẻ chân trắng và cua. Trong quá trình nuôi ông quản lý tốt bờ bao, cống bọng an toàn để bảo quản các loài thủy sản, những thời điểm nước lớn thì cho vào để bổ sung lượng nước trong mô hình, đồng thời cho những loài tôm, cá thiên nhiên vào để đa dạng con nuôi.
Trong quá trình nuôi ông Quốc Anh thường xuyên thu tỉa, bắt những con lớn, đủ kích cỡ bán ra thị trường, bình quân mỗi tháng ông có thu nhập từ 15 triệu đồng trở lên, nếu so với các mô hình nuôi thủy sản khác như nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm mật độ cao thì mô hình tôm - rừng không cao bằng, nhưng cho thu nhập rất ổn định và tỷ lệ rủi ro rất thấp.
Tại khu vực ao nuôi của gia đình ông Quốc Anh, do không sử dụng các loại thuốc thú y thủy sản, môi trường trong lành nên rừng đước của gia đình ông có hàng trăm con chim, cò các loại bay về trú ngụ. Thấy được lợi ích của mô hình tôm - rừng, ông Quốc Anh ra sức bảo vệ đàn cò như một hình thức tri ân với thiên nhiên.
Mô hình tôm - rừng cần được khuyến khích nhân rộng
Theo đồng chí Nguyễn Văn Giới, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Duyên Hải, hiện toàn huyện có trên 8.000ha nuôi các loại thủy sản (tôm, cua…) dưới tán rừng. Phát triển mô hình tôm - rừng nhằm bảo vệ môi trường gắn với nuôi tôm theo hướng bền vững, tôm nuôi dưới tán rừng không chỉ ít bị ảnh hưởng dịch bệnh, vừa nâng cao đời sống người dân, vừa bảo vệ, phát triển rừng, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như triều cường, nước biển dâng... Mô hình được xem là nuôi tôm sinh thái trong những năm gần đây được chú trọng và phát triển, sản phẩm tôm sạch thu hút người tiêu dùng.
Nhằm hỗ trợ, khuyến khích cho nông dân nuôi tôm theo hướng sạch hơn, tạo ra môi trường nuôi bền vững và sản phẩm tôm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, Trung tâm Khuyến nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ xã Long Vĩnh thành lập “mô hình tôm - rừng” với 08 thành viên, tổng diện tích 20ha. Theo đó, mô hình được Dự án chống chịu khí hậu tổng hợp sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL) hỗ trợ kinh phí, con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cũng như tuyên truyền về những lợi ích của rừng ngập mặn đối với môi trường sinh thái.
Ông Huỳnh Công Lý, Tổ trưởng “mô hình tôm - rừng” cho biết, mô hình nuôi tôm - rừng là mô hình phát triển bền vững, môi trường ao nuôi ổn định, màu nước ít thay đổi, độ pH ổn định, các khí độc không vượt quá ngưỡng cho phép và đặc biệt là khả năng hạn chế dịch bệnh trong ao nuôi tôm, tôm nuôi đạt tỉ lệ sống cao, tôm mau lớn và sạch bệnh. Đây là mô hình người nuôi cần ứng dụng đưa vào trong sản xuất đại trà để mang lại hiệu quả bền vững, mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình tôm rừng của nông dân xã Long Khánh, huyện Duyên Hải.
Lĩnh vực nuôi thủy sản của tỉnh đang ngày càng gặp khó khăn do yếu tố môi trường, dịch bệnh, trong khi nhu cầu về các nguồn thực phẩm, sạch, an toàn ngày càng cao, các sản phẩm tôm, cua được nuôi sinh thái theo hình thức quản canh, quản canh cải tiến từng bước đã khẳng định vị trí của mình. Đây là mô hình giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Tuy nhiên để thực hiện mô hình tôm - rừng, nông hộ cần có một diện tích đủ lớn để đắp bờ bao, ao nuôi, xây dựng hệ thống cống điều tiết nước và diện tích rừng từ 30 - 40% so với diện tích chung… Diện tích rừng trong mô hình tôm - rừng không chỉ phát huy vai trò, thế mạnh của rừng đối với môi trường mà rừng còn là nơi trú ẩn và là nơi kiếm ăn của các loại thủy sản như tôm, cua giúp các loài thủy sản phát triển khỏe mạnh, phát triển tốt, ít dịch bệnh.
Sự kết hợp giữa tôm và rừng vừa tận dụng được điều kiện nuôi thuận lợi, tạo sinh kế bền vững cho người dân. Mô hình này tuy không có sự đột phá về năng suất nhưng có được ổn định và rất ít rủi ro. Trước những lợi ích về mặt kinh tế cũng như tác động tích cực đối với môi trường của mô hình tôm - rừng, chính quyền các địa phương cần khuyến khích duy trì và nhân rộng, nhằm mang lại những giá trị thiết thực về môi trường, kinh tế, xã hội.
Bài, ảnh: THANH NHÃ
Thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (Đề án), huyện Châu Thành thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện Đề án bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ.