02/08/2023 10:24
Lao động may gia công tại cơ sở của bà Lê Thị Kiều Tiên.
Định hướng nghề đan đát, may gia công thúc đẩy kinh tế hộ
Thời gian gần đây, nghề tiểu thủ công nghiệp đang dần phát triển tại các địa phương trong tỉnh, tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của người dân. Trong đó, nghề tiểu thủ công nghiệp tại xã Vinh Kim, huyện Cầu Ngang đã và đang phát triển mạnh, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Chị Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Vinh Kim cho biết: hiện xã có 2.047 hội viên, trong đó có 264 hội viên là hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài kinh tế chính sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản, những năm gần đây, Hội LHPN xã có nhiều mô hình sản xuất góp phần giảm nghèo đáng kể như may gia công, đan đát,… giải quyết việc làm nhiều lao động nhàn rỗi ở địa phương. Bên cạnh, năm 2023, Hội LHPN xã còn tranh thủ các nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp 854 chị vay, tổng dư nợ trên 13 tỷ đồng; phối hợp hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp cho 01 hội viên phụ nữ ở ấp Rẩy A đầu tư trang thiết bị may gia công.
Bà Nguyễn Thị Đang, ấp Rẩy A, xã Vinh Kim cho biết: gia đình không ruộng đất sản xuất, kinh tế chủ yếu dựa vào nghề làm thuê, gần 05 năm nay, Hội LHPN xã phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Hàng ngày, bà đan đát khoảng 20 tấm thảm, thu nhập 72.000 đồng. Tuy thu nhập không nhiều, nhưng từ khi có sản phẩm đan đát, các chị em trong ấp có thêm thu nhập trang trải tiền điện, sinh hoạt hàng ngày.
Bà Lê Thị Sậu, ngụ cùng ấp cho biết thêm: tuy gia đình có 0,2ha đất sản xuất nhưng những năm gần đây sản xuất lúa bấp bênh nên bà chuyển sang trồng cỏ nuôi bò sinh sản đem lại hiệu quả khá cao, thời gian rãnh nhận sản phẩm về đan đát vừa có thêm thu nhập, vừa có thể chăm sóc gia đình.
04 năm trước, bà Lê Thị Kiều Tiên, từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê hương ấp Rẩy A lập nghiệp bằng nghề may gia công. Bà Tiên chia sẻ: trước đây, bà làm công nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi sinh con, bà nghỉ việc về quê chăm lo phát triển kinh tế gia đình và nhận hàng về may gia công. Nhận thấy nguồn hàng dồi dào, có thể giải quyết việc làm cho lao động địa phương nên bà mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng mua máy may công nghiệp và liên kết với chủ công ty trước đây - nơi bà làm công nhân lấy hàng về gia công, bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Trong lúc bà đang định mở rộng cơ sở sản xuất, nhưng thiếu vốn, bà được Hội LHPN huyện hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp 90 triệu đồng, bà đầu tư máy vắt sổ, máy ép keo. Hiện cơ sở giải quyết việc làm 12 lao động, mức lương theo sản phẩm bình quân từ 03 - 08 triệu đồng/người/tháng.
Ngành công nghiệp từng bước hình thành liên kết sản xuất
Để phát triển công nghiệp bền vững và đi vào chiều sâu, những năm qua, tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giúp tăng giá trị sản phẩm công nghiệp. Đến nay, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp từng bước hình thành liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và thu hút các nhà đầu tư ngoài nước.
Trên địa bàn tỉnh, chuỗi liên kết ngành hàng dừa đóng vai trò quan trọng thúc đẩy kinh tế phát triển. Một trong những sản phẩm từ cây dừa đang được thị trường ưa chuộng hiện nay lưới xơ dừa, nên nhiều cơ sở se chỉ xơ dừa, dệt lưới xơ dừa đã và đang phát triển... Điển hình như Công ty TNHH sản xuất Khánh Đăng, ấp Đai Tèn, xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành đã góp phần giải quyết đầu ra sản phẩm trái dừa để se chỉ xơ dừa, tạo việc làm lao động thường xuyên 05 lao động.
Theo bà Nguyễn Thị Nhẫn, đại diện Công ty TNHH sản xuất Khánh Đăng, hàng tháng Công ty thu mua 120.000 trái dừa của người dân ở các xã trong huyện. Sau đó, thuê lao động tách lấy trái dừa bán cho doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, còn vỏ dừa se chỉ dừa, mụn dừa vừa ương dưỡng cây dừa giống, vừa bán cho người dân ủ phân. Khó khăn hiện nay, giá dừa sụt giảm từ 50.000 - 60.000 đồng/chục còn 40.000 - 45.000 đồng/chục, kéo theo chỉ dừa sụt giảm từ 17.000 đồng/cuộn còn 14.000 đồng/cuộn. Mặt khác, đầu ra đang giảm dần, dừa trái tách sẵn, mụn dừa, chỉ dừa còn tồn kho nhiều, nên Công ty hạn chế thu mua dừa, đồng thời cắt giảm lao động còn 03 người, thu nhập từ 180.000 - 220.000 đồng/người/ngày.
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH sản xuất Khánh Đăng.
Nửa nhiệm kỳ qua, công nghiệp chế biến, chế tạo như tôm đông lạnh, gạo xay xát, may mặc, túi xách, giày da, than hoạt tính, bộ truyền dẫn điện dùng trong ô-tô… phục hồi nhanh và tăng trưởng khá, tạo việc làm cho lao động; công nghiệp sản xuất và phân phối điện ngày càng đóng vai trò chi phối. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 78.522 tỷ đồng, tăng 32% so với nửa nhiệm kỳ trước, góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Ngoài ra, tỉnh kịp thời triển khai các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với chuyển đổi hộ kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp. Phát triển mới 1.084 doanh nghiệp, đạt 43,36% Nghị quyết (trong đó có 01 doanh nghiệp FDI), nâng đến tháng 6/2023, toàn tỉnh có 4.490 doanh nghiệp (hiện có 2.822 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm 69.316 lao động) trong đó có 43 doanh nghiệp FDI. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đạt kết quả quan trọng, đã tạo dựng được môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho khởi nghiệp, doanh nghiệp phát triển.
Bên cạnh đó, hoạt động khuyến công đã triển khai đồng bộ từ tỉnh đến nông thôn, góp phần khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ và tạo điều kiện cho hộ kinh doanh, cơ sở, doanh nghiệp phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn. Nhiều ngành nghề truyền thống đã từng bước thích nghi với phát triển kinh tế thị trường, phát huy lợi thế tiềm năng và tăng trưởng khá như: chế biến nông sản, thực phẩm, đồ mỹ nghệ, may mặc,…
Nửa nhiệm kỳ qua đã triển khai hỗ trợ 22 đề án khuyến công, với tổng vốn trên 11,6 tỷ đồng. Có 11 lượt sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực và 04 lượt sản phẩm được cấp giấy chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Công nhận mới 128 sản phẩm, nâng đến nay toàn tỉnh có 184 sản phẩm đạt OCOP.
Mặc dù sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi khá nhanh nhưng toàn ngành chịu sự chi phối của công nghiệp sản xuất và phân phối điện, thị trường xuất khẩu một số sản phẩm chủ lực chưa nhiều. Chuyển đổi hộ kinh doanh lên doanh nghiệp còn ít; doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể còn nhiều.
Để thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra, trong đó tỷ trọng trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm 65%: hiện tại trong khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ mới đạt 55% (nửa nhiệm kỳ còn lại, tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp phải chuyển dịch 10,21% sang lĩnh vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ).
Số doanh nghiệp thành lập mới trong 05 năm 2.500 doanh nghiệp (nửa nhiệm kỳ còn lại phát triển thêm 1.416 doanh nghiệp). Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm, 03 nhiệm vụ đột phá, trong đó tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Đối với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, có lợi thế so sánh, giải quyết được nhiều việc làm, sản xuất hàng xuất khẩu;
Tổ chức, sắp xếp lại ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống theo hướng chú trọng chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý. Đẩy mạnh thực hiện Đề án ứng dụng khoa học và công nghệ trong quá trình tái cơ cấu ngành công nghiệp giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.