21/05/2024 15:17
Bắp giống tăng
Theo đồng chí Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, là huyện nông nghiệp, diện tích 26.673ha, trong đó có nhiều diện tích đất giồng cát và đất cát pha, trồng lúa kém hiệu quả do không đủ nước tưới vào mùa khô nên năng suất thấp. Để tăng hiệu quả sản xuất trên cùng đơn vị diện tích, những năm qua, huyện tích cực vận động người dân chuyển đổi sang các cây trồng, vật nuôi khác. Từ năm 2014 đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 5.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu và nuôi thủy sản. Năm nay tuy hạn, mặn đến sớm và cao hơn mọi năm, nhưng nhờ tiếp nước ngọt từ trạm bơm Kênh 3 tháng 2 nên nước trong nội đồng đủ phục vụ các diện tích sản xuất nông nghiệp, đảm bảo năng suất, chất lượng.
Mô hình trồng bắp giống được nông dân 02 xã Long Sơn và Nhị Trường, huyện Cầu Ngang thực hiện trồng luân canh trên đất lúa hơn 20 năm qua, bền vững cao nhờ liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp từ sản xuất đến bao tiêu, mang lại lợi nhuận cao gấp 1,5 lần trở lên so với trồng lúa trước đó. Sản phẩm bắp giống của huyện hiện có 02 đơn vị liên kết với nông dân và bao tiêu: Công ty TNHH Syngenta Việt Nam và Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam.
Người dân ấp Huyền Đức, xã Long Sơn phấn khởi bắp được mùa được giá.
Năm 2024, toàn huyện xuống giống hơn 54ha, trong đó xã Long Sơn trồng 21ha tập trung ở ấp Huyền Đức và Sóc Mới. Ông Trần Minh Vĩnh, Tổ trưởng THT trồng bắp giống ở ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: hiện tổ có 17 thành viên tham gia trồng 10ha. THT hoạt động được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương liên kết với doanh nghiệp hỗ trợ từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm với giá từ 15.000 - 17.000 đồng/kg. Mô hình THT trồng bắp giống trên địa bàn đã liên kết từ lâu trong sản xuất, cải thiện đầu ra. Các thành viên tham gia THT được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và phòng trừ sâu bệnh cũng như hỗ trợ về chi phí đầu vào và đầu ra.
Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường, việc liên kết theo mô hình chuỗi liên kết, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm là xu thế tất yếu hiện nay. Vì thế, mô hình này cần duy trì và nhân rộng để ngày càng phát huy hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, cải thiện đời sống trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay.
Nông dân Nguyễn Văn Vũ, ấp Huyền Đức, xã Long Sơn cho biết: với 0,6ha đất canh tác hàng năm ông sản xuất 02 vụ màu - 01 vụ lúa, lợi nhuận từ 80 - 100 triệu đồng/năm. Những năm trước, ông tập trung sản xuất 02 vụ dưa hấu, hai năm gần đây chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, giá bán nông sản biến động nên vụ đông - xuân năm nay ông tham gia vào THT trồng bắp giống trên diện tích 0,6ha nhằm vừa được hỗ trợ giống, chi phí sản xuất ban đầu vừa cải thiện đầu ra sản phẩm, mang lại lợi nhuận cao. Với 0,6ha bắp giống, sản lượng đạt 5,4 - 06 tấn, giá bán 15.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 50 - 60 triệu đồng.
Nông dân Huỳnh Ni, ngụ cùng ấp đã tham gia vào THT trồng bắp giống 02 - 03 năm nay, thu nhập tăng đáng kể so với những cây trồng khác nhờ đảm bảo đầu vào và đầu ra. Ông Ni cho biết: trước đây, với 0,3ha đất lúa trũng thấp nên hàng năm trồng 02 vụ đậu phộng, dưa hấu - 01 vụ lúa. Những năm gần đây, giá đậu phộng, dưa hấu biến động, giảm sâu vào thời điểm thu hoạch đông ken, nên giảm lợi nhuận.
Đối với những vùng đất canh tác thấp của gia đình, thường xuyên xuống giống đậu phộng vụ đông - xuân trễ hơn so với những hộ có đất gò cao, nên giá bán không cao. Từ đó, ông tham gia vào THT trồng bắp giống, giá bắp giống năm nay tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với năm trước, nên 0,3ha bắp giống vụ đông - xuân 2024, sản lượng đạt gần 03 tấn, lợi nhuận trên 25 triệu đồng.
Cam sành rớt giá
Từ đầu năm 2024 đến nay, cam sành rớt giá liên tục, mặc dù trong dịp tết Nguyên đán 2024 giá từ 9.000 - 10.000 đồng/kg, nhưng chỉ duy trì khoảng 02 tuần và liên tục giảm sâu cho đến nay còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, nhiều nhà vườn thất thu vì giảm lợi nhuận hoặc huề vốn. Đối với những hộ thuê đất trồng cam sành phải chịu thua lỗ nặng.
Nông dân Võ Văn Phước, ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết: trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào độc canh cây lúa 03 vụ/năm, do không có đê bao ngăn nước lũ vào nội đồng, nên thường xuyên bị ngập vào mùa mưa, triều cường dâng cao, năng suất thấp. Từ khi chuyển đổi 0,3ha đất lúa sang trồng cam sành cho hiệu quả kinh tế cao. Trước năm 2020, do chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp nên lợi nhuận cao, nhất là cam cho trái vào mùa nghịch giá bán 35.000 đồng/kg, lợi nhuận 01 tỷ đồng/ha. So với trước đây, tuy năng suất cam thời điểm hiện nay tăng gấp đôi, nhưng giá cam giảm mạnh, hiệu quả kinh tế thấp, gia đình ông nhờ có đất nhà, lấy công làm lời, mỗi vụ cam thu hoạch lợi nhuận đạt bình quân 15 triệu đồng/ha.
Đối với những nhà vườn đất thuê, với chi phí đầu tư cao mà giá bán hiện nay nhà vườn thua lỗ nặng. Ông Võ Văn Sở từng “tỷ phú cam sành” ở vùng đất Rạch Nghệ, để tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, ông Sở đã chọn cây cam sành để phát triển cơ cấu kinh tế trên vùng đất lúa kém hiệu quả. Vì thế, năm 2001, ông mạnh dạn chuyển đổi 0,6ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cam sành đem lại hiệu quả cao.
Ông Sở cho biết: những năm đầu chuyển đổi, do chưa có kinh nghiệm cũng như khoa học - kỹ thuật, nên năng suất cam đạt 40 - 50 tấn/ha, nhưng nhờ ít người trồng nên giá bán cao từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, lợi nhuận nhiều. Sau đó, ông thuê thêm 1,3ha đất để trồng cam hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Thời gian gần đây, giá cam sành giảm mạnh liên tục nên nhà vườn không có lợi nhuận, mà thua lỗ nặng, nhất là đối với nhà vườn thuê đất.
Cây cam sành, ngoài chi phí đầu tư hàng trăm triệu đồng từ cây giống đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cải tạo đất và lên liếp, nhà vườn còn chi phí 60 triệu đồng/ha tiền thuê đất. Do giá cam giảm, nên hiện nay ông bỏ đất thuê tập trung trồng cam sành trên diện tích đất nhà 0,6ha và cam đang bắt đầu ra hoa cho trái. Nếu giá cam giảm kéo dài, nhà vườn chủ yếu nhờ lấy công làm lời sẽ có lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/ha.
Nông dân Huỳnh Bá Nhanh chia sẻ cam sành bị bệnh ghẻ trái với lãnh đạo Hội Làm vườn huyện Cầu Kè.
Hạn chế mở rộng diện tích trồng cam sành
Những năm gần đây, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, đồng thời liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong sản xuất, tuy nhiên thời gian gần đây giá cam sành nói riêng, nông sản khác nói chung biến động nên tỉnh khuyến nghị nông dân cơ cấu cây trồng hợp lý, bố trí mùa vụ phù hợp tránh “cung vượt cầu”, nông dân không lợi nhuận.
Nông dân Huỳnh Bá Nhanh, Tổ trưởng THT cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè nhớ lại: những năm đầu mới chuyển đổi đất lúa sang trồng cam, lợi nhuận cao hơn 10 lần so với những cây trồng khác, nhất là những tháng mùa nghịch giá cam tăng cao hơn 30.000 đồng/kg, có những nhà vườn trở thành “tỷ phú cam sành”, lợi nhuận tăng lên 01 tỷ đồng/ha/năm. Từ đó, THT trồng cam sành của ấp Rạch Nghệ ra đời vào năm 2015 với 24 thành viên tham gia sản xuất cam sành hữu cơ, diện tích 15,2ha, hiện nay mô hình trồng cam sành của THT đã được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Từ khi THT thành lập, các thành viên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, năng suất bình quân đạt 70 - 80 tấn/ha/năm, giá bán như trước đây từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, nhà vườn đạt lợi nhuận khoảng 01 tỷ đồng/ha, nhưng, giá bán hiện nay nhà vườn đành “cam chịu” hoặc lợi nhuận từ 10 - 20 triệu đồng/ha.
Đối với những nhà vườn mới chuyển đổi trồng cam sành, chi phí ban đầu khoảng 400 - 500 triệu đồng/ha và từ 200 - 300 triệu đồng/năm cho những năm tiếp theo. Từ khi trồng cho đến 18 tháng sau cam sành bắt đầu cho trái chiến, 03 năm sau cam sành cho thu hoạch ổn định và có lợi nhuận. Tuổi thọ cây cam sành trung bình từ 06 - 10 năm.
Ông Nhanh cho biết thêm: do giá cam sành giảm mạnh nên những năm gần đây nhiều nhà vườn giảm diện tích. Đối với gia đình ông hiện đã giảm từ 0,5ha còn 0,3ha, cam bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng ước cuối vụ đạt hơn 20 tấn, với mức giá bán hiện nay nhà vườn lỗ công chăm sóc, lợi nhuận đạt 04 - 06 triệu đồng.
Đồng chí Nguyễn Hùng Mận, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn tỉnh cho biết: hiện nay, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh 18.500ha, trong đó diện tích cây cam sành trên 3.400ha. Thời gian gần đây, diện tích cam sành của tỉnh tăng nhanh dẫn đến sản lượng nhiều nên thị trường tiêu thụ hạn chế, từ đó nhà vườn gặp khó về giá.
Thời gian tới, tỉnh khuyến cáo nông dân sản xuất cam sành theo quy trình hữu cơ vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa kéo dài tuổi thọ; đồng thời kết nối doanh nghiệp thu mua tạo đầu ra sản phẩm cam sành. Khuyến nghị nông dân tham gia vào kinh tế tập thể, nòng cốt là THT, HTX để giảm chi phí đầu vào và liên kết với các đơn vị thu mua nhằm đảm bảo đầu ra ổn định hơn. Hiện nay, diện tích cam sành của tỉnh rất lớn, mà thị trường tiêu thụ chủ yếu nội địa, chưa xuất khẩu, do đó người dân hạn chế tối đa việc mở rộng diện tích cây cam sành.
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, 10 năm qua, Trà Vinh đã chuyển đổi trên 30.560ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi khác. Hầu hết các diện tích chuyển đổi đều cho hiệu quả cao hơn trồng lúa. Theo kế hoạch, năm 2024, tỉnh chuyển đổi 1.400ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây trồng hàng năm, cây lâu năm và trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.