24/05/2024 09:14
Bài cuối: Vai trò của hợp tác xã trong hỗ trợ kinh tế tập thể
Người lao động HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu đóng gói sản phẩm gạo hạt ngọc quê hương.
Trợ lực cho HTX nông nghiệp
Năm 2024, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã bố trí 10,8 tỷ đồng hỗ trợ 05 HTX thuộc 03 huyện Tiểu Cần, Trà Cú và Châu Thành: Dự án “mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ chuỗi giá trị gạo” hỗ trợ cho HTX nông nghiệp Rạch Lọp, tổng mức đầu tư 3,25 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng nhà kho, sân phơi cho HTX nông nghiệp, thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng, 2,2 tỷ đồng. Dự án Đầu tư xây dựng nhà kho, sân phơi cho hợ HTX nông nghiệp Phước Hảo, 2,5 tỷ đồng. Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến nông sản liên kết chuỗi cho HTX nông nghiệp, thương mại và sản xuất dịch vụ Xuân Thành, 2,9 tỷ đồng. Dự án mua máy bay phun thuốc trừ sâu hỗ trợ HTX nông nghiệp Long Hiệp, 0,6 tỷ đồng.
Điển hình như HTX nông nghiệp Rạch Lọp, huyện Tiểu Cần từ khi được tiếp cận các chính sách của Nhà nước, hoạt động kinh doanh ngày càng hiệu quả. Từ khi thành lập đến nay, HTX được UBND tỉnh cho thuê 5.024m2 đất, thời hạn thuê 49 năm để xây dựng trụ sở làm việc với kinh phí 950 triệu đồng, trong đó kinh phí từ chương trình phát triển HTX của tỉnh 600 triệu đồng, HTX đối ứng 350 triệu đồng. Đồng thời, HTX đầu tư thêm nhà kho chứa vật tư nông nghiệp, nhà xưởng sản xuất... với trên 500 triệu đồng. Hiện cơ sở vật chất của HTX cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và phục vụ thành viên. Song song đó, HTX tiếp cận Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, 05/7/2028 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển HTX liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HTX đã xây dựng dự án liên kết và được hỗ trợ 01 tỷ đồng đầu tư giống, phân bón trực tiếp cho nông dân là 497 thành viên HTX được thụ hưởng. Đồng thời, năm 2023, HTX được hưởng lợi từ Dự án trạm bơm liên ấp Trung Tiến, ấp Nhì, xã Tân Hùng, huyện Tiểu Cần hỗ trợ HTX nông nghiệp Rạch Lọp với số tiền 4,9 tỷ đồng phục vụ 250ha đất sản xuất.
Theo ông Kim Minh Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Rạch Lọp: hoạt động của HTX không chỉ liên doanh, liên kết để tiêu thụ sản phảm nông nghiệp cho người dân, mà còn thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả và phát triển thêm các dịch vụ cung cấp vật tư nông nghiệp, thủy lợi, khai thác quản lý chợ, dịch vụ đời sống, tín dụng nội bộ, vệ sinh môi trường, xây dựng dân dụng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và khai thác các dịch vụ khác… Đến nay, HTX đã xây dựng nhãn hiệu “gạo Rạch Lọp - Tiểu Cần” đạt OCOP 4 sao. Sản lượng lúa của HTX cho ra thị trường từ 1.500 - 1.800 tấn/năm. Nhờ bán trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nên giá luôn cao hơn thị trường từ 20 - 50 đồng/kg lúa thương phẩm, giúp nông dân an tâm sản xuất. Bên cạnh đó, HTX liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào như: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để cung ứng cho thành viên, giúp thành viên tiếp cận nguồn đầu vào chất lượng, giá hợp lý. Hàng năm HTX tạo thu nhập tăng thêm cho thành viên từ 500 - 750 triệu đồng. Hiện nay, HTX đang liên kết và tiêu thụ từ 200 - 300 trái dừa sáp/tháng với 10ha của các thành viên và nông dân, giá thu mua 90.000 đồng/trái.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tiếp tục hỗ trợ củng cố, mở rộng và phát triển kinh tế tập thể trong các ngành, lĩnh vực, khuyến khích phát triển HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng các mô hình HTX kiểu mới. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, lồng ghép việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, mở rộng liên kết hợp tác, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh, có giá trị kinh tế cao, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX.
Chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm
Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc chuyển đổi số sẽ hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số ở một số lĩnh vực như: đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử; sử dụng máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật; định vị cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; nuôi tôm kiểm soát qua điện thoại thông minh; 100% tàu cá lắp đặt VMS giám sát hành trình; quản lý, xác định các ổ dịch bệnh qua các phần mềm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch; thực hiện Bản đồ số trong lâm nghiệp; đo tự động (độ mặn, mực nước) tại các cống đầu mối.
Cụ thể, triển khai hệ thống giám sát côn trùng thông minh nhằm theo dõi tình hình côn trùng trên cây lúa tại các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang. Thí điểm 02 trạm cảnh báo dông, sét tự động đặt tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang; xã Long Hiệp, huyện Trà Cú (bán kính khoảng 300 - 500m), hệ thống tự động phát tín hiệu cảnh báo khi phát hiện các dấu hiệu của dông, sét, hỗ trợ người dân chủ động phòng tránh. Xây dựng ứng dụng thông tin quản lý sản xuất và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản của tỉnh (thực hiện thí điểm năm 2021 - 2022) và hỗ trợ giao dịch trên sàn nông sản sạch Azuamua.com.
Áp dụng các hệ thống, ứng dụng chuyên ngành: hệ thống báo cáo thống kê trực tuyến ngành nông nghiệp; ứng dụng phần mềm dự tính dự báo PPDMS (sâu bệnh trên cây trồng); phần mềm cấp và quản lý mã số vùng trồng nội địa; phần mềm quản lý cơ sở dự liệu nghề cá quốc gia nhằm theo dõi tàu cá đăng ký, cấp giấy phép (VNFISHBASE), cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản; hệ thống giám sát tàu cá (VMS); phần mềm ghi thu tiền nước sinh hoạt nông thôn và quản lý khách hàng; thu tiền kiểm dịch động vật trực tuyến; phần mềm quan trắc theo dõi lưu lượng nước, độ mặn; phần mềm diễn biến rừng FRMS 4.0.
Để việc ứng dụng chuyển đổi số hỗ trợ HTX hoạt đông hiệu quả trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục thực hiện số hóa trong chỉ đạo điều hành. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, nhất là các cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu vào kho dữ liệu của tỉnh theo quy định. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số. Hỗ trợ các HTX, hộ kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.
Cánh đồng lúa giống của nông dân Nguyễn Văn Đậm, ấp Ô Tre Lớn, xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành.
Liên kết vùng, tạo “điểm tựa” để phát triển nông nghiệp
Để triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 01 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”, Sở NN-PTNT đã thành lập Tổ Công tác theo Quyết định số 526/QĐ-SNN, ngày 25/12/2023, phân công nhiệm vụ cho các thành viên.
Theo đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT: Sở đã tiến hành rà soát, khảo sát thực tế các địa phương, đăng ký diện tích tham gia theo Bộ tiêu chí được ban hành tại Quyết định số 1490/QĐ-TTg, ngày 27/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ để đăng ký với Bộ NN-PTNT tham gia thực hiện Đề án theo lộ trình cụ thể: giai đoạn 01 (2024 - 2025) diện tích 9.900ha; giai đoạn 02 (2026 - 2030) diện tích cộng dồn 30.736ha, triển khai thực hiện trên địa bàn 06 huyện sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh: Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành, Trà Cú và Cầu Ngang.
Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT đã khảo sát thực tế và chọn HTX nông nghiệp Phước Hảo, xã Phước Hảo, huyện Châu Thành với diện tích 50ha làm mô hình điểm để triển khai nhân rộng. Trà Vinh là 01 trong 05 tỉnh có mô hình điểm được Bộ NN-PTNT chọn, bắt đầu từ vụ hè - thu 2024. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm 2024, với 7.194ha, vụ thu - đông 2024 diện tích 7.194 ha trên địa bàn 39 xã của 06 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh.
Thời gian tới, Sở NN-PTNT xây dựng các mô hình khuyến nông áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững làm cơ sở cấp tín chỉ các-bon cho các diện tích đã áp dụng quy trình canh tác lúa phát thải thấp. Đào tạo tập huấn nâng cao năng lực; các biện pháp canh tác bền vững, biện pháp xử lý rơm rạ, các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; kiến thức về quản trị, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng xuất khẩu. Nâng cao năng lực cho các HTX về canh tác lúa bền vững, quản lý rơm rạ; kiến thức về quản trị, quản lý, kinh doanh, thị trường, chuyển đổi số. Hướng dẫn nông dân nâng cao năng lực về các kiến thức “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng”, SRP, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM),.. biện pháp xử lý rơm rạ các kiến thức bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tham quan, học tập mô hình sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở các tỉnh đã tham gia và có kinh nghiệm thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT). Hỗ trợ liên kết, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm lúa gạo giảm khí phát thải và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.