22/04/2025 10:04
Nhân viên giám sát công tác vận hành tại phòng điều khiển trung tâm (Công ty Nhiệt điện Duyên Hải, xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải).
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Trà Vinh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại và trung tâm năng lượng sạch của vùng ĐBSCL, tỉnh đang tập trung triển khai nhiều giải pháp để hướng ra biển, phát triển kinh tế bền vững.
Trà Vinh có đường bờ biển dài khoảng 65km, trải dài qua các huyện ven biển gồm Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Các công trình trọng điểm về kinh tế biển tại Trà Vinh như Khu kinh tế (KKT) Định An (diện tích quy hoạch 39.020ha, là 01 trong 08 KKT ven biển trọng điểm của cả nước, là điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển kinh tế biển); Bến cảng tổng hợp Định An là tiền đề thúc đẩy phát triển cảng nước sâu và trở thành trung tâm giao thương của ĐBSCL; Trung tâm Điện lực Duyên Hải, công suất 4.490MW và các công trình điện gió, điện mặt trời... là những yếu tố thuận lợi cho phát triển kinh tế biển trong tương lai.
Đồng chí Huỳnh Kim Nhân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: những năm qua, kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển của tỉnh. Giá trị kinh tế biển mang lại cho Trà Vinh rất lớn và có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương ven biển.
Một số điểm nổi bật về giá trị kinh tế biển góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương đó là ngành thủy sản (khai thác và nuôi trồng), đóng góp đáng kể vào GRDP của tỉnh. Nhiều hộ dân ven biển sống chủ yếu dựa vào nghề biển, giúp giảm nghèo và cải thiện đời sống người dân. Tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động qua hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá, giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt ở các huyện ven biển như Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú…
Trong lĩnh vực khai thác đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, toàn tỉnh có 1.006 tàu cá được đăng ký, tổng công suất 120.061CV; trong đó, có 244 tàu dài từ 15m trở lên; 247 tàu khai thác xa bờ và đạt sản lượng khai thác gần 50.000 tấn tôm cá các loại/năm. Bên cạnh đó, diện tích nuôi thủy sản nước mặn - lợ hơn 56.000ha (tôm sú 25.139ha, tôm thẻ chân trắng 8.192ha, cua biển 23.123ha, thủy sản khác 65ha) với sản lượng đạt gần 200.000 tấn/năm… Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản cả về khai thác và nuôi trồng; đồng thời, đưa ngành công nghiệp chế biến thủy sản từ nguồn nguyên liệu trong khai thác và nuôi trồng cung cấp cho các nhà máy chế biến của tỉnh, góp phần phát triển ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, mang lại nguồn thu ngoại tệ và nâng cao giá trị sản phẩm.
Đồng chí Vũ Hồng Dương, Phó giám đốc Sở Công thương Trà Vinh cho biết: với những đặc thù về điều kiện địa lý, Trà Vinh có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng tái tạo với công suất tiềm năng hơn 26.000MW, nhất là tiềm năng điện gió gần bờ và ngoài khơi. Song song đó, Trà Vinh cũng không ngừng triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp và đô thị ven biển…
Theo Quyết định số 262/QĐ-TTg, ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi là Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII), tỉnh Trà Vinh được phê duyệt 13 dự án điện gió, công suất 872,5MW (trong đó 05 dự án điện gió chuyển tiếp, công suất 408,5MW, 08 dự án điện gió mới, công suất 464MW: giai đoạn 2023 - 2025, vận hành 03 dự án với công suất 176MW; giai đoạn 2026 - 2030, vận hành 05 dự án với công suất 288MW); điện mặt trời áp mái, công suất 10MW; điện rác, công suất 10MW; điện sinh khối, công suất 25MW… sẽ là điều kiện cho tỉnh phát triển bền vững, góp phần giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Qua đó, nguồn diện năng lượng tái tạo đã phát điện công suất 505,10MW bao gồm 05 nhà máy điện gió (nhà máy điện gió Hiệp Thạnh/78MW; nhà máy điện gió số 3 (vị trí V1-3)/48MW; nhà máy điện gió V1-2/48MW; nhà máy điện gió Đông Hải 1/100MW; nhà máy điện gió Hàn Quốc - Trà Vinh, giai đoạn 1/48MW) đã đi vào vận hành thương mại COD năm 2021 với tổng công suất 322MW; 01 dự án điện mặt trời công suất 140MW vận hành năm 2019; 1.149 hệ thống điện mặt trời áp mái nhà công suất 43,01MWp.
Riêng thị xã Duyên Hải, đến cuối năm 2024, lĩnh vực công nghiệp điện phát triển với Trung tâm Điện lực Duyên Hải công suất thiết kế khoảng 4.400MW, các công trình năng lượng tái tạo với 04 dự án điện gió với 222MW và 01 dự án điện năng lượng mặt trời với 165MWp đã đưa vào vận hành sản xuất thương mại.
Lĩnh vực dịch vụ logistics ngày càng được quan tâm đầu tư, thông qua việc phát triển giao thông - cảng biển nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu thủy sản và nông sản. Các công trình trọng điểm về kinh tế biển tại Trà Vinh như Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào Sông Hậu; Cảng Định An…
Ngày 03/4/2025, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 14/NQ-HĐND về phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường hành lang ven biển trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Với mục tiêu mở rộng không gian về hướng biển, kết nối, phát triển kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng, công nghiệp, nâng cao hiệu quả tài nguyên biển, thu hút đầu tư phát triển các khu kinh tế ven biển, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; dịch chuyển cơ cấu kinh tế theo hướng nền kinh tế xanh, giảm phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu…
Theo đó, dự án xây dựng mới tuyến đường dài khoảng 56,1km, quy mô đường cấp III đồng bằng 02 làn xe, kết nối với tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre qua hướng cầu vượt cửa Cung Hầu và cầu Cổ Chiên 2, đồng thời kết nối với tỉnh Sóc Trăng thông qua cầu Đại Ngãi. Dự án có tổng mức đầu tư trên 9.186 tỷ đồng; điểm đầu kết nối với dự án xây dựng cầu Cổ Chiên 2 trên địa bàn huyện Châu Thành; điểm cuối nhánh thứ nhất: giao với Quốc lộ 53B (thị xã Duyên Hải), điểm cuối nhánh thứ hai giao với Quốc lộ 54 và đường dẫn vào cầu Đại Ngãi 2 (huyện Tiểu Cần).
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trong quý I/2025, Hội Nông dân thị xã Duyên Hải đã triển khai nhiều hoạt động quan trọng nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống và góp phần xây dựng nông thôn mới. Dù còn nhiều thách thức, nhưng sự nỗ lực của tổ chức Hội cùng với tinh thần chủ động của nông dân đã mang lại những kết quả tích cực, giúp nâng cao thu nhập và cải thiện chất lượng sống cho người dân.