22/01/2023 08:33
Ao nuôi tôm thẻ chân trắng mật độ cao ấp Cây Cồng, xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải.
Là huyện ven biển, Duyên Hải có diện tích đất tự nhiên 31.373ha, trong đó, diện tích đất nông nghiệp 23.589ha, chiếm 75,19%; các xã, thị trấn thuộc khu vực hải đảo, gồm: xã Long Vĩnh, xã Long Khánh, xã Đông Hải và thị trấn Long Thành và một phần diện tích nông nghiệp của xã Ngũ Lạc, xã Đôn Châu và xã Đôn Xuân (khu vực ven kênh Nguyễn Văn Pho) thuộc tiểu vùng 3, có diện tích đất nông nghiệp gần 15.173ha thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước mặn được bố trí sản xuất nuôi thủy sản kết hợp trồng rừng, nuôi tôm thâm canh mật độ cao. Địa hình có mạng lưới sông, rạch phân phối nguồn nước vào sâu trong nội đồng, như: sông Rạch Cỏ (xã Long Vĩnh); sông Vĩnh Lợi, sông Phước Thiện, sông Động Cao (xã Đông Hải).
Đồng chí Lê Vũ Phương, Bí thư Huyện ủy Duyên Hải cho biết, giai đoạn 2020 - 2025, huyện tiếp tục xác định nông nghiệp là lĩnh vực kinh tế quan trọng, nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Để cụ thể hóa các mục tiêu trên, Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện ban hành kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững huyện Duyên Hải, trong đó, đề ra giải pháp trọng tâm là phải tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng năng suất, tăng giá trị, hiệu quả, xem đây là giải pháp then chốt, có tính đột phá trong kế hoạch phát triển nông nghiệp và XDNTM tại địa phương.
Bên cạnh đó, thực hiện Công văn số 2870/BNN-HTQT, ngày 18/5/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) về việc đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, UBND huyện đã phối hợp Sở NN - PTNT tỉnh thực hiện xong việc khảo sát, lập dự án đầu tư trình UBND tỉnh đề xuất Bộ NN - PTNT triển khai Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long (vốn vay ADB) tại Công văn số 4061/TB-BNN-VP, ngày 30/6/2021. Dự kiến, dự án nuôi tôm có quy mô 750ha, khu vực La Ghi - vàm Rạch Cỏ (xã Long Vĩnh), quy mô 500ha; khu vực Nông trường Giồng Sọ (xã Đông Hải), quy mô 250ha. Kinh phí đầu tư khoảng 343 tỷ đồng.
Hiện nay, huyện đang phối hợp triển khai thực hiện dự án chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (Dự án ICRSL) với hợp phần chứng nhận tôm sinh thái đạt chuẩn EU Organic tại 03 xã Long Vĩnh, Long Khánh và Đông Hải với quy mô vùng nuôi 1.500ha (với 50 tổ cộng đồng hợp tác, có 1.500 hộ dân tham gia). Dự án hỗ trợ nông dân thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị ngành tôm với các chủ thể tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm là Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long và Công ty Thái Hòa, đánh giá, thẩm định và cấp chứng nhận EU Organic hoàn thành vào cuối năm 2022.
Đối với tôm thẻ chân trắng, sản lượng thu hoạch 18.296 tấn, đạt 107,6% nghị quyết, so với cùng kỳ tăng 2.928 tấn. Toàn huyện có 2.533 lượt hộ thả nuôi hơn 01 tỷ con giống, trên diện tích 792,3ha. Trong đó, có 1.416 hộ nuôi thâm canh mật độ cao, với số giống 767 triệu con, trên diện tích 379,7ha, năng suất bình quân 40 tấn/ha/vụ nuôi (gấp 06 lần so với hình thức nuôi truyền thống), chiếm 79% sản lượng tôm toàn huyện; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 1.500 lao động, với mức thu nhập khoảng 07 triệu đồng/người/tháng. Mô hình được cơ giới hóa trong các khâu sản xuất trên 90%; hộ nuôi thành công đạt từ 75 - 90%.
Hiện nay, trên địa bàn có 10 hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao đang thực hiện mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP, như: các hộ Trần Văn Tài, Nguyễn Văn Miền, Nguyễn Thanh Phương (xã Long Vĩnh); hộ Ngô Hồng Lạc, Trần Thị Bến, Nguyễn Anh Hoàng (xã Long Khánh); hộ Trần Văn Triệu, Trần Thanh Khoa, Trần Thái Long (xã Đôn Xuân); hộ Hồ Ngọc Thanh Vân (xã Đôn Châu).
Đồng chí Lê Vũ Phương, Bí thư Huyện ủy Duyên Hải đánh giá, nhìn chung, qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại địa phương, trong nhận thức của cán bộ, đảng viên, nông dân đã có sự chuyển biến tích cực, thay đổi từ tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang phát triển sản xuất hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị với cơ cấu cây trồng, con nuôi hợp lý, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu và đảm bảo an toàn về dịch bệnh, vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng để hoàn thành tiêu chí xã, huyện nông thôn mới theo quy định.
Bài, ảnh: HUỲNH NỔI
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.