05/08/2024 07:12
Ông Trầm Lài Riêng đang chăm sóc đàn bò.
Ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân có 349 hộ dân, trong đó dân tộc Khmer chiếm 97%. Trong ấp có nhiều hộ chí thú làm ăn, có phương án sản xuất nhưng lại thiếu nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến thời điểm này ấp có 26 hộ được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất.
Ông Trầm Lài Riêng (dân tộc Khmer) ở ấp Bà Giam B, xã Đôn Xuân được hỗ trợ vay 50 triệu đồng. Với số vốn đó, ông Riêng dùng để cải tạo chuồng trại và mua 03 con bò nuôi vỗ béo. Ông tận dụng nguồn rơm từ sản xuất lúa của gia đình và nguồn cỏ tự nhiên để làm thức ăn cho bò. Sau khoảng 01 năm chăm sóc, bò nhà ông đã xuất chuồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi con đạt lợi nhuận từ 08 - 10 triệu đồng. Sau các đợt nuôi thành công, ông sửa chữa lại chuồng trại và tìm mua bê để tái đàn. Hiện nay lứa bò của gia đình ông được 03 con, nhờ có kinh nghiệm trong việc lựa chọn con giống, chăm sóc kỹ lưỡng nên đàn bò phát triển khỏe mạnh.
Ông Riêng cho biết: nuôi bò vỗ béo lợi nhuận cao hơn, cực hơn nuôi bò sinh sản, cần đồng vốn lớn hơn. Nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho gia đình được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi đã mua bò nuôi vỗ béo và đạt hiệu quả. Nhờ được Nhà nước tạo điều kiện cho tôi và người dân địa phương có nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Ông Thạch Vơi cùng ấp cũng được hỗ trợ vay 50 triệu đồng để phát triển sản xuất. Với đồng vốn vay được, ông mua 02 con bò sinh sản và nâng cấp lại chuồng trại, ông Vơi cũng tận dụng nguồn rơm trong sản xuất lúa và trồng thêm gần 1.000m2 cỏ các loại để làm thức ăn cho bò. Nhờ được chăm sóc tốt, đàn bò phát triển khỏe mạnh, hiện đàn bò đã được 04 con và chuẩn bị sinh thêm 02 con bê.
Ông Thạch Vơi cho biết: bà con trong ấp đều chí thú làm ăn và có phương án sản xuất nhưng còn thiếu vốn nên đời sống vẫn còn khó khăn. Nhờ được hỗ trợ vốn nên nhiều bà con tại địa phương đã có điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Ông Thạch Sa Ne, Trưởng Ban Nhân dân ấp Bà Giam B cho biết: hàng năm địa phương kết hợp với các ngành tổ chức tập huấn về chăn nuôi cho người dân tại địa phương, từ đó người dân nơi đây có kinh nghiệm hơn về cách phòng ngừa, sử dụng thuốc và lựa chọn con giống. Từ nguồn vốn vay ưu đãi và sử dụng có hiệu quả nên nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhằm đảm bảo cho các hộ thoát nghèo không tái nghèo trở lại, chính quyền địa phương làm tham mưu, đề nghị các ngành, các cấp liên quan tuyên truyền, hỗ trợ chính sách đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Cụ thể trước khi xóa bỏ hộ nghèo, hộ cận nghèo ra khỏi danh sách hộ nghèo, cần phải đảm bảo cho các hộ đó có mô hình sản xuất, chăn nuôi, tạo công ăn việc làm có thu nhập ổn định. Từ đó mới đưa các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.
Hiện tại ấp Bà Giam B chỉ còn 04 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. Theo kế hoạch đến cuối năm 2024 giảm hộ nghèo thêm 02 hộ và hộ cận nghèo thêm 03 hộ. Với sự chí thú làm ăn của người dân, sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời của địa phương nên đời sống của người dân được cải thiện. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước được kéo giảm.
Bài, ảnh: LƯU VŨ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.