04/04/2022 06:08
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú: vụ đông - xuân này, nông dân trên địa bàn huyện xuống giống trên 2.500ha màu. Các xã có diện tích xuống giống nhiều là: bắp trên 400ha, đậu phộng 150ha ở Hàm Giang, Long Hiệp, Ngọc Biên, An Quảng Hữu... hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, đối với trồng bắp nù (bắp ăn) thu nhập từ 45-50 triệu đồng/ha (thời gian trồng khoảng 75 ngày) và bắp giống cho thu nhập 60-70 triệu đồng/ha (thời gian trồng khoảng 100 ngày).
Nông dân Thạch Đa, ấp Nhuệ Tứ B, xã Hàm Giang phấn khởi cho biết: gia đình có 02 công (2.000m2) đất trồng lúa, nhưng mỗi năm chỉ làm được 01 vụ lúa thu - đông, thời gian còn lại là trồng màu. Vụ màu đông - xuân năm nay, gia đình trồng giống bắp Mỹ (bắp ngọt), với giá thương lái thu mua tại ruộng hiện nay là 7.000 đồng/kg (bình quân năng suất đạt khoảng 13 tấn/01ha); trừ chi phí, gia đình thu vào gần 05 triệu đồng. Hiệu quả từ trồng bắp rất cao, nên sau khi thu hoạch xong vụ bắp cuối tháng 3 này, gia đình tiếp tục trồng thêm 01 vụ bắp.
Nông dân Thạch Đa bên rẫy bắp giống chờ thu hoạch.
Còn tại xã Long Hiệp (huyện Trà Cú), cây bắp vụ đông - xuân được Công ty Giống cây trồng miền Nam liên kết với nông dân trồng theo hướng bao tiêu sản phẩm. Với diện tích xuống giống 80ha, tập trung chủ yếu ở 02 ấp Giồng Chanh A và Giồng Chanh B và được công ty liên kết với giá bao tiêu 12.500 đồng/kg (giống bắp SC25) và 9.500 đồng/kg (giống bắp SC29). Ông Lâm Văn Chắc, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Long Hiệp cho biết: so với vụ màu đông - xuân năm 2020 - 2021 thì năm nay, diện tích trồng bắp của nông dân trong xã tăng gần 20ha. Với giá bao tiêu của công ty, nhìn chung người trồng bắp cũng có lời, bình quân với năng suất khoảng 6,5 - 07 tấn/ha, người trồng bắp cũng được khoảng 40-45 triệu đồng/ha.
Việc luân canh cây màu trong vụ đông - xuân còn góp phần rất lớn trong việc cắt vụ lúa đông - xuân và giúp cải tạo đất, vệ sinh đồng ruộng, tạo độ màu mỡ cho đất.... để nông dân chuẩn bị cho vụ lúa hè - thu.
Nói về lợi ích của việc cải tạo đất, ngắt vụ trong sản xuất lúa, Thạc sĩ Trang Tửng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh) cho biết: do thời gian xuống giống vụ lúa hè - thu thường vào tháng 6 đối với các vùng đất không chủ động được nguồn nước ngọt và phụ thuộc vào mưa; việc cày ải, phơi đất để vệ sinh đồng ruộng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn chặn mầm bệnh lưu tồn trong đất; đồng thời, việc cày hay xới làm đứt các mao mạch đất để hạn chế hiện tượng xì phèn do thời điểm này là trời rất nóng, khô hạn…
Cũng theo Thạc sĩ Trang Tửng, đối với các đồng ruộng sau khi thu hoạch xong lúa đông - xuân, nông dân cần thực hiện cày ải, phơi đất (thấp nhất là 15 - 20 ngày). Nếu ruộng không sản xuất lúa đông - xuân mà thay vào đó luân canh cây màu theo từng vùng 01 màu + 02 lúa sẽ làm gia tăng độ phì nhiêu cho đất, ngắt được sâu bệnh trên cây lúa… Đặc biệt, nông dân còn có thêm nguồn thu nhập đáng kể trong sản xuất từ cây màu mang lại.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.