16/01/2025 13:14
Ông Nguyễn Hoàng Nam (bên trái) bên cánh rừng 04ha được nhận giao khoán bảo vệ để vừa khai thác, vừa nuôi nhữ thủy sản tự nhiên.
Phát triển “lá phổi xanh” vùng ven biển
Đồng chí Nguyễn Vũ Phương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Trà Vinh cho biết: những năm qua, ý thức từ cộng đồng và các doanh nghiệp về bảo vệ rừng từng bước được nâng cao. Bên cạnh các dự án trồng rừng của ngành triển khai; trong đó, vai trò của người dân tại các huyện, thị xã vùng ven biển tham gia rất tốt về quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, các hộ nuôi thủy sản tích cực phát triển, trồng dặm cây rừng vào ao nuôi thủy sản để tạo bóng râm hay công tác nhận giao khoán, bảo vệ rừng từ cộng đồng xung quanh khu rừng… góp phần gìn giữ và phát triển “lá phổi xanh” trong môi trường.
Trong năm 2024, ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức trồng mới và trồng bổ sung 416ha rừng, vượt 177,21% kế hoạch từ dự án “Đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025”; kế hoạch “Trồng rừng, trồng cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”; phương án “Trồng rừng thay thế diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thi công các dự án”; sự tham gia các tổ chức trong nước và quốc tế đầu tư phát triển trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh… Hiện toàn tỉnh có 9.620,48ha rừng, đạt 4,15% độ che phủ rừng; Ban Quản lý rừng phòng hộ Trà Vinh đã tổ chức ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với diện tích 3.383/3.589ha, đạt 94,26% so với kế hoạch.
Có thể thấy lợi ích của việc trồng rừng ngập mặn ở Trà Vinh đã góp phần rất lớn nhằm hạn chế tác động BĐKH. Trong đó, vai trò các tán rừng đã tham gia hấp thụ CO2, giảm phát thải khí nhà kính; bảo vệ vùng ven biển trước bão, sóng lớn và xâm nhập mặn. Bảo vệ hệ sinh thái trong môi trường tự nhiên để tạo môi trường sống cho nhiều loài động thực vật quý hiếm; duy trì sự cân bằng hệ sinh thái vùng ngập mặn nhằm góp phần ổn định kinh tế và hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng người dân vùng ven biển từ việc phát triển ngành nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng và khai thác nguồn lợi thủy sản bền vững …
Ý thức cộng đồng vùng ven biển trong tham gia trồng rừng
Nhiều nông dân vùng ven biển hướng đến mô hình trồng dặm cây rừng trong vuông nuôi thủy sản (nuôi thả lang) để ổn định môi trường cho thủy sản phát triển...
Được biết, năm 2024, do ảnh hưởng của các đợt triều cường kết hợp với sóng to đã làm sạt lở 82,78ha rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn của huyện Cầu Ngang 31,63ha, Duyên Hải 42,28ha, Châu thành 6,81ha và thị xã Duyên Hải 2,06ha. Vì vậy, việc phát triển, trồng mới rừng phòng hộ, rừng sản xuất có ý nghĩa rất lớn trong phòng, chống xói mòn và bảo vệ đất. Trong này, rừng ngập mặn giúp cố định đất, ngăn chặn tình trạng xói mòn đất và bồi lắng phù sa ven bờ, ven cửa sông, cửa biển...
Ông Nguyễn Hoàng Nam, ấp Phước Thiện, xã Đông Hải chia sẻ: gia đình nhờ có hệ thống rừng ngập mặn (hơn 04ha) được nhà nước giao khoán bảo vệ từ hơn chục năm nay, đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình khá ổn định và ngăn chặn việc xói lở từ phía ngoài biển vào. Ngoài việc khai thác, nuôi thủy sản dưới tán rừng được giao khoán; đối với diện tích nuôi tôm, cua của gia đình gần 0,6ha cũng được gia đình quan tâm đến trồng dặm cây rừng vào vuông nuôi thủy sản… Nhờ có cây rừng nên môi trường tự nhiên được ổn định; nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm không nhiều, từ đó, các loài thủy sản phát triển tốt, ít xảy ra dịch bệnh. Hàng năm, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi và khai thác thủy sản kết hợp rừng.
Với các giải pháp phát triển rừng ở Trà Vinh như qua Dự án “Đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021 - 2025”; Kế hoạch “Trồng rừng, trồng cây xanh phân tán trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”; từ đó, việc trồng mới và phục hồi rừng ngập mặn (trồng cây như đước, mắm, bần…) để cải thiện diện tích rừng; nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ rừng, kết hợp với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước cũng như ứng dụng công nghệ hiện đại trong việc giám sát, quản lý rừng và phòng, chống xâm hại rừng… không chỉ góp phần ứng phó với BĐKH mà còn giúp cải thiện chất lượng sống và môi trường cho cộng đồng dân cư địa phương.
Tại xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang hiện có 04 tổ trồng rừng, với 51 thành viên. Ngoài việc tham gia trực tiếp trồng rừng tại địa phương, thành viên các tổ còn phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh để trồng rừng theo dự án.
Ông Trần Minh Hùng, Tổ trưởng Tổ trồng rừng ở ấp Nhì, xã Mỹ Long Nam chia sẻ: không chỉ thực hiện ký kết trồng rừng theo dự án; các thành viên trong tổ còn được Nhà nước giao khoán diện tích bảo vệ rừng và phối hợp cùng ngành Kiểm lâm để bảo vệ rừng, phòng, chống khai thác, xâm phạm rừng phòng hộ ven biển ở khu vực từ Mỹ Long Bắc - thị trấn Mỹ Long - Mỹ Long Nam. Trong năm 2024, các tổ trồng rừng ở xã Mỹ Long Nam thực hiện được hơn 23ha; trong đó, trồng mới 20ha rừng tại huyện Cầu Ngang và 03ha ở khu vực huyện Châu Thành.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Phương án quản lý rừng bền vững trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2030 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 217/QĐ-UBND, ngày 29/01/2021. Trong năm 2025, Trà Vinh phấn đấu đạt tỷ lệ che phủ rừng 4,2%. Đồng thời, thực hiện trồng mới 30ha rừng tập trung, chăm sóc 160ha, khoán bảo vệ 3.338ha.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Tối 16/01, tại Khu Hành chính tập trung huyện Duyên Hải, Sở Công thương tỉnh Trà Vinh phối hợp UBND huyện tổ chức lễ khai mạc Phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn trong khuôn khổ “Tết Quân - Dân” năm 2025.