15/09/2022 05:21
Dừa là cây trồng kinh tế cao, nhờ cho thu hoạch thường xuyên trong năm, tạo việc làm cho người dân nhờ vào các hoạt động nông nghiệp, chế biến các sản phẩm từ cơm dừa, xơ dừa, gáo dừa... dưới hình thức tập trung hay phân tán trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt khi có những thay đổi bất lợi về thời tiết, khí hậu, cây dừa là vẫn thích nghi tốt, phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững.
Bài 1: Phát triển vùng nguyên liệu dừa gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ
Liên kết giải quyết đầu ra ngành hàng dừa
Dừa là cây trồng truyền thống và có nhiều thu nhập phụ cho nông dân, không chỉ lệ thuộc vào nhóm hàng truyền thống như dầu dừa, cơm dừa nạo sấy, ngành chế biến xơ dừa đã tận dụng hầu hết vỏ dừa để sản xuất các sản phẩm đa dạng và xuất khẩu cả mụn dừa với khối lượng lớn.
Theo ông Hồ Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Bắc, 30 năm trước khi ngành chế biến dừa chưa phát triển, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng từ trái dừa, giá trị cây dừa mang lại chưa cao. Từ năm 1992, ngành chế biến dừa của tỉnh chỉ có 01 nhà máy ép dầu tương đối hiện đại công nghệ của Đức, một vài cơ sở ép dầu thủ công, đập tướt chỉ xơ dừa. Đến năm 1995, Công ty Liên doanh Trà Bắc ra đời sản xuất than hoạt tính từ than gáo dừa, từ đó ngành chế biến dừa phát triển mạnh mẽ với các sản phẩm như than hoạt tính, than BBQ, nước cốt dừa cấp đông, cơm dừa sấy khô, thảm xơ dừa, xơ dừa đóng kiện, mùn dừa. Hàng năm, Công ty đã liên kết và sử dụng 180 triệu quả gáo dừa và cơm dừa, 24 triệu quả vỏ dừa để sản xuất.
Từ năm 2014 đến nay, các dự án SME và AMD Trà Vinh đã hỗ trợ Công ty Cổ phần Trà Bắc, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Dương Phát, Công ty TNHH MTX Út Mừng và các cơ sở chế biến dừa trong tỉnh kinh phí thực hiện các đề tài ứng dụng sản xuất, đầu tư nhà xưởng, máy móc thiết bị, xúc tiến thương mại… Gần đây, tỉnh ban hành kế hoạch hành động nâng cấp chuỗi giá trị dừa giai đoạn 2022 - 2025 và đề ra 13 giải pháp với 37 hoạt động đa dạng chuỗi giá trị cây dừa, từ cải tiến giống dừa, kỹ thuật canh tác, thu hoạch, vận chuyển đến công nghệ sản xuất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn lao động, năng lực quản lý doanh nghiệp, tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại… Các hoạt động này chắc chắn đưa ngành chế biến dừa của tỉnh ngày càng phát triển, góp phần gia tăng giá trị cây dừa trong tương lai.
Tuy các sản phẩm chế biến của tỉnh đã khai thác gần như triệt để các nhóm sản phẩm chính như nhóm sản phẩm xơ dừa, gáo dừa, cơm dừa và nước dừa; gần đây, là mật hoa dừa. Đặc biệt, sản phẩm chế biến xơ dừa có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao trong các nhóm sản phẩm. Tuy nhiên, các sản phẩm tinh chế còn hạn chế hoặc số lượng ít hoặc chưa được chế biến như sữa dừa, dầu dừa nguyên chất, nước giải khát, thạch dừa… các sản phẩm dừa thô vẫn chiếm tỷ trọng lớn.
Nông dân Tô Văn Tâm, ấp Sóc Vinh, xã Phương Thạnh, huyện Càng Long là một trong những nông dân vừa sản xuất vừa liên kết với doanh nghiệp tỉnh Bến Tre cung ứng nguyên liệu sản phẩm dừa thô của địa phương.
Nông dân Tô Văn Tâm thu mua dừa.
Ông Tâm cho biết: dừa là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, tuy giá dừa năm nay biến động không ngừng, nhưng nhờ vận chuyển sang tỉnh bạn để bán, lợi nhuận khá hơn so với những hộ trồng dừa bán tại vườn. Ban đầu ông trồng 0,6ha dừa trên đất lúa, khi dừa cho trái, giá biến động thất thường nên ông quyết định thu mua dừa của người dân trong xã và vận chuyển sang tỉnh Bến Tre vừa tăng thu nhập, vừa giải quyết đầu ra cho các nhà vườn.
Nhờ đầu ra ổn định, những năm tiếp theo ông mua thêm đất trồng thêm 0,7ha dừa. Với 1,3ha dừa, trong đó có 0,5ha dừa hiện đang cho trái, thu nhập từ 02 - 03 triệu đồng/tháng, diện tích còn lại trồng mới. Ngoài ra, ông thu mua thêm từ 6.000 - 7.000 trái dừa/chuyến và vận chuyển đi bán từ 06 - 08 chuyến/tháng cho doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre, lợi nhuận bình quân 25 - 30 triệu đồng/tháng.
Phát triển ngành hàng dừa gắn với khởi nghiệp trong thanh niên và phụ nữ
Dừa là cây trồng rất quan trọng đối với kinh tế của tỉnh, vừa tạo kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo việc làm, sinh kế cho khu vực nông thôn, thành thị, góp phần cải thiện dinh dưỡng, giải quyết nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, vật liệu xây dựng.
Theo ông Trần Hoàng Tuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (Thành phố Hồ Chí Minh), hiện nay nhiều doanh nghiệp, doanh nhân trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp, trong đó có nhiều sản phẩm từ dừa. Tại Trà Vinh, sản phẩm mật hoa dừa của vợ chồng bà Thạch Thị Chal Thi, ngụ huyện Tiểu Cần và sản phẩm dầu dừa của bà Lâm Mộng Thúy, Phường 6, thành phố Trà Vinh được biết đến như hình mẫu “tự lực, đổi mới, sáng tạo”.
Trong chuỗi giá trị, gáo dừa, xơ dừa của Công ty Cổ phần Trà Bắc, xơ dừa cũng như hàng mỹ nghệ của Công ty TNHH MTV Út Mừng đã tạo lợi nhuận kinh tế cao. Gần đây, vùng nguyên liệu dừa hữu cơ Tân Thành và những nỗ lực chuyển đổi ở các xã: Tập Ngãi, Ngãi Hùng, Tân Hùng, huyện Tiểu Cần và Đại Phước, huyện Càng Long… theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ dừa hữu cơ để các doanh nghiệp xuất khẩu yên tâm “phá trận” định vị trong chuỗi giá trị dừa, thật sự mang lại nhiều tín hiệu lạc quan.
Trong khi Công ty TNHH MTV Út Mừng “tháo được điểm nghẽn” mẫu thiết kế, Công ty TNHH Trà Vinh Farm (thương hiệu Sokfarm) tìm được mô hình khởi nghiệp từ mật hoa dừa. Sau 01 năm nghiên cứu (bắt đầu từ tháng 6/2018), vợ chồng Chal Thi - Đình Ngãi lập Sokfarm tại huyện Tiểu Cần. Sokfarm ra đời với sứ mệnh nối lại khoảng thời gian “đứt gãy” của nghề thu mật hoa đầu từ xa xưa ở Trà Vinh và thương mại hóa sản phẩm mật hoa dừa và đến nay được chứng nhận OCOP.
Đặc biệt, nền tảng của mô hình là dấu ấn Permaculture (lâu dài vĩnh cữu hay nông nghiệp vĩnh cữu) nên rất ít người biết đến. Ông Phạm Đình Ngãi đã đầu tư trên 02 tỷ đồng vào việc khai thác mật hoa dừa và tiếp tục nghiên cứu để Sokfarm ứng dụng kinh tế tuần hoàn.
Nhân viên KoKoFi giới thiệu sản phẩm dầu dừa cho người tiêu dùng.
Ông Phạm Đình Ngãi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà Vinh Farm cho biết: mật hoa dừa có thể chế biến 10 sản phẩm như: mật hoa dừa, mật hoa dừa cô đặc, đường hoa dừa, giấm hoa dừa, mật hoa dừa lên men, nước tương mật hoa dừa, nước màu mật hoa dừa, mỹ phẩm mật hoa dừa, rượu vang mật hoa dừa, rượu cao độ mật hoa dừa… tuy nhiên, do sản phẩm còn mới trên thị trường nên còn nhiều khó khăn và thách thức.
Để nâng cao giá trị cây dừa và tạo đà phát triển trên thị trường, sản phẩm mật hoa dừa đã hoàn thành các chứng nhận HACCP, ISO2000, FDA, 5S, OCOP 3 sao vào năm 2019; đồng thời đầu tư mở rộng 04ha vùng nguyên liệu thu mật hoa dừa và hợp tác thu mua mật nguyên liệu của 04 hộ dân trong khu vực huyện Tiểu Cần, giải quyết việc làm hơn 20 lao động. Sản phẩm hiện đang có mặt trên 20 tỉnh, thành thông qua hơn 40 đại lý, bình quân hàng tháng Công ty đưa ra thị trường 3.000 sản phẩm thành phẩm và doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng.
Thời gian tới, Công ty đầu tư thêm truyền thông và thị trường để đẩy mạnh kênh bán hàng trong nước qua nhiều kênh thị trường và tiếp cận các kênh bán hàng quốc tế để xuất khẩu; mở rộng vùng nguyên liệu để nâng cao sản lượng đầu vào, giải quyết đầu ra cho nông dân và tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương.
Từ sản phẩm trái dừa, sau hơn 05 năm nghiên cứu, bà Lâm Mộng Thúy, chủ cơ sở dầu dừa sạch Phương Huỳnh (KoKoFi) đã cho ra đời các dòng sản phẩm dầu dừa nguyên chất, tinh dầu dừa dưỡng da, son môi dầu dừa… được chế xuất từ công nghệ enzyme kết hợp với lên men tự nhiên đã được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.
Bà Thúy cho biết: so với trước khi được công nhận sản phẩm OCOP, cơ sở đã đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất dầu dừa với hơn 200m2, gồm 10 phòng bố trí dây chuyền kép kín một chiều và có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. KoKoFi đã được chứng nhận HACCP, an toàn vệ sinh thực phẩm, chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm.
Ngoài các sản phẩm dầu dừa, KoKoFi đầu tư thiết kế nhãn mác, bao bì thuận tiện cho người tiêu dùng. Nguồn nguyên liệu sử dụng sản xuất từ huyện Tiểu Cần, Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, trung bình từ 2,5 - 03 tấn dầu dừa/tháng, sản lượng tiêu thụ khoảng 15.000 sản phẩm các loại/năm. Hiện cơ sở phân phối và tiêu thụ sản phẩm thông qua các cửa hàng tại các tỉnh, thành trong nước và một phần sản phẩm được người tiêu dùng mua trực tiếp, websie của cơ sở.
Từ khi được công nhận sản phẩm OCOP năm 2019, hoạt động phân phối và kênh phân phối sản phẩm ngày càng mở rộng. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế do có nhiều thương hiệu lớn phát triển ngành hàng này.
Để thu hút người tiêu dùng, KoKoFi đầu tư hình ảnh, thiết kế lại website, quan trọng cải thiện năng lực thị trường theo hướng tìm kiếm khách hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm máy móc, nghiên cứu các sản phẩm mới, liên kết vùng nguyên liệu, triển khai thực hiện theo kế hoạch bảo vệ môi trường, tái chế phụ phẩm từ dừa trong sản xuất…
Bài, ảnh: MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.