14/09/2020 11:34
Chính nghề gói bánh tét truyền thống đã giúp gia đình bà Quyên vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm “bánh tét 3 nhân” (thịt, đậu, trứng muối) Anh Thư đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 03 sao.
Vợ chồng bà Lâm Thị Quyên vui với thành quả sản phẩm OCOP.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề bánh tét, bà Quyên hiểu tường tận từ khâu làm sạch nếp, xào nhân, gói bánh và hấp bánh. Ngoài thạo chế biến các món ăn thường ngày “cơm dẻo, canh ngọt”, bà Quyên chịu khó học hỏi cách gói bánh tét và tiếp nối nghề truyền thống cho đến nay.
Theo bà Quyên, khi lập gia đình riêng, tận dụng kinh nghiệm nghề gói bánh tét của gia đình bà mua nếp, lá chuối, đậu xanh, thịt heo, mỡ heo gói bánh bày bán trước sân nhà. Ban đầu bà gói bán lẻ, dần dần bà gói bánh bán cho các gia đình trong xã khi có tiệc, hữu sự, nhất là những gia đình bận rộn. Để bánh tét thơm ngon đáp ứng nhu cầu, sở thích tính đa dạng khách hàng, bà chế biến bánh tét với nhiều loại khác nhau như: nhân đậu xanh, nhân chuối, thập cẩm và bánh tét chay,… cuộn mình trong lớp nếp nước cốt dừa, mỡ heo, thịt heo hòa với mùi thơm lá dứa, lá cẩm, lá ngót, trái gấc vừa béo béo, ngòn ngọt làm say đọng lòng người thưởng thức. Dù cách chế biến bánh tét nhiều loại khác nhau nhưng vẫn giữ hương vị sản phẩm “bánh tét 3 nhân” truyền thống của gia đình.
Chia sẻ về bí quyết làm bánh tét, bà Quyên cho biết: để duy trì nghề gói bánh tét truyền thống và gây dựng thương hiệu cho gia đình, bà đã đem tâm huyết cả đời mình vào sự nghiệp làm bánh tét, ngoài việc tìm đầu ra sản phẩm, còn đúc kết kinh nghiệm nhiều năm của mình để gói bánh tét cho ngon, hợp khẩu vị người tiêu dùng.
Để giữ được hương vị bánh ngon đậm đà, ngoài việc chọn nguyên liệu nếp sáp đạt 100%, công đoạn sơ chế bánh thật kỹ như làm sạch nếp để ráo, xào nhân đậu xanh, trứng vịt muối, thịt heo, mỡ heo cùng với màu của trái gấc, lá ngót, lá cẩm tạo hương thơm cho bánh, quan trọng cần cân bằng nguyên liệu ướp gia vị muối, đường, bột ngọt với nước cốt dừa theo tỷ lệ hợp lý.
Bên cạnh đó, công đoạn nấu bánh đòi hỏi nhiều công phu, phải đun đủ và đều lửa trong nhiều giờ không được lửa lớn quá hay lửa nhỏ quá. Để có đòn bánh tét ngon, dẻo mềm, trước khi hấp bánh, phải sắp xếp đòn bánh thật khéo vào nồi nấu, khi bánh được hấp chín phải đều, không bị nhão, không bị khô, đòn bánh phải có thế đứng hay nằm đều không bị chảy xệ,… đây là một trong những kỹ thuật và cần có kinh nghiệm giúp bánh tét Anh Thư để cả tuần vẫn không bị hỏng. Tuy cách chế biến và ướp bánh tét bảo quản cả tuần, nhưng lúc nào bà cũng để thời hạn sử dụng trong nhãn hiệu khoảng 05 ngày để người tiêu dùng xem đó mà thưởng thức bánh sớm ngon hơn; đồng thời giúp người tiêu dùng quan tâm chú ý đến sản phẩm bánh tét Anh Thư.
Theo bà Quyên, mỗi ngày cả gia đình 03 người chia nhau từng công việc làm bánh, người thì vo nếp, xào nhân, gói bánh,…; tuy vất vả nhưng rất vui. Ông Nguyễn Ngọc Thảo, chồng bà Quyên cho biết thêm: Làm bánh tét bán, không chỉ để kiếm lợi nhuận mà còn để “giữ lửa” cho món bánh truyền thống đến với mọi người. Bình quân gia đình bán lẻ và bỏ mối tại chợ đầu mối, Thành phố Hồ Chí Minh từ 100 - 200 đòn/ngày với giá bán 60.000 - 70.000 đồng/đòn. Ngày Tết làm nhiều hơn, khoảng hơn 1.000 đòn, có khi lên đến 2.000 đòn để cung cấp theo đơn đặt hàng của khách trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bà Quyên còn giải quyết việc làm cho 02 lao động, thu nhập được tính theo sản phẩm từ công đoạn lau lá chuối, gói bánh, cột bánh, nấu bánh,… từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày.
Với kinh nghiệm làm bánh gần 20 năm, giờ đây bánh tét Anh Thư có mặt khắp các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh, nhất là khách hàng Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, năm 2020, sản phẩm “bánh tét 3 nhân” (thịt, đậu, trứng muối) Anh Thư đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP xếp hạng 03 sao. Đây là tín hiệu vui cho nghề sản xuất bánh tét truyền thống của gia đình, thời gian tới, hộ kinh doanh Lâm Thị Quyên rất mong các ngành, các cấp tạo điều kiện hoàn thành một số thủ tục hành chính để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm bánh tét tiếp cận thị trường siêu thị, góp phần nâng cao giá trị kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.