17/04/2023 14:18
Mô hình nuôi tôm sinh thái gắn với rừng ngập mặn (rừng đước) ấp Phước Thiện, xã Đông Hải, huyện Duyên Hải.
Đồng chí Trần Quốc Đoàn, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Duyên Hải cho biết: đối với các địa phương “vùng đảo” đối tượng nuôi thủy sản hiện khá đa dạng, như nuôi tôm nước lợ (thâm canh mật độ cao; thâm canh và quảng canh rừng - tôm), nuôi cua biển, sò huyết, vọp và khai thác nguồn lợi thủy sản tự nhiên trong vuông, đập… Tuy nhiên, thế mạnh ở các địa phương này vẫn là nuôi tôm sinh thái gắn với rừng để hướng đến phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp. Trong này, huyện đã tập trung quy hoạch phát triển nuôi tôm sinh thái tại khu bảo tồn rừng đước ngập mặn xã Long Khánh khoảng 800ha; rừng bần ven bãi bồi biển khu vực vàm Rạch Cỏ (ấp La Ghi, xã Long Vĩnh) khoảng 500ha sẽ phát triển thủy sản gắn với du lịch sinh thái…
Song song với phát triển nuôi thủy sản sinh thái kết hợp du lịch tại các khu vực có diện tích rừng; còn lại một số vùng nuôi có điều kiện thuận lợi cũng được phát triển nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, với quy mô đầu tư lớn, đáp ứng việc đảm bảo môi trường, nguồn nước và khí thải nhà kính… Trong năm 2022, tổng sản lượng nuôi thủy sản trên địa bàn huyện Duyên Hải thu hoạch 34.427 tấn (tôm sú 3.373 tấn, tôm thẻ chân trắng 18.296 tấn, tôm càng xanh 167 tấn, tôm các loại khác 2.280 tấn, cua 4.718 tấn, cá các loại 5.060 tấn, nhuyễn thể 533 tấn), đạt 105,1% kế hoạch, so với cùng kỳ tăng 3.498 tấn (tăng 11,3%). Trong này, sản lượng thu hoạch thủy sản ở các địa phương “vùng đảo” chiến trên 70% sản lượng chung toàn huyện.
Nông dân Lê Hoàng Chinh, ngụ ấp Vũng Tàu, xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết: đối với người dân sinh sống vùng ven biển, kinh tế chủ đạo là nuôi thủy sản và nuôi dê. Những năm gần đây, ngoài con tôm sú, gia đình đã tận dụng bãi bồi ven sông để chuyển sang nuôi vọp. Hiệu quả từ con vọp mang lại cũng khá cao. Với diện tích bãi bồi hơn 0,3ha, hàng năm gia đình thả nuôi khoảng 0,8 - 01 tấn vọp giống (50 con/kg giống), hình thức bắt tỉa (sau từ 08 - 10 tháng nuôi), sản lượng từ 2,5 - 03 tấn và cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải là địa phương có thế mạnh của nghề khai thác, với 147 phương tiện khai thác đánh bắt thủy sản, hàng năm sản lượng thu về trên 10.000 tấn và nuôi thủy sản, với diện tích trên 1.500ha; trong đó, có gần 60ha nuôi tôm thẻ thâm canh mật độ cao, sản lượng gần 10.000 tấn/năm...
Đồng chí Lữ Minh Tâm, Chủ tịch UBND xã Đông Hải cho biết: ngoài thế mạnh về nuôi thủy sản; các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ (du lịch) đang phát triển, nhiều dự án lớn đã và đang triển khai trên địa bàn (Điện gió Đông Hải 100MW đã đi vào hoạt động năm 2021; Điện gió Duyên Hải 48MW; Điện gió Đông Thành 1; Nhà máy Hydro Xanh). Xã kiến nghị tỉnh sớm đầu tư kết cấu hạ tầng khu quy hoạch nuôi tôm công nghiệp 200ha ở ấp Cồn Cù để thúc đẩy phát triển vùng nuôi tôm tập trung theo đúng định hướng quy hoạch; hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông (trục ven bờ biển trên 10km và các nhánh rẻ hướng ra biển) để hướng đến phát triển du lịch kết hợp giữa các dự án điện gió và cánh rừng phi lao, cánh rừng đước...
Cũng theo đồng chí Trần Quốc Đoàn, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành nông nghiệp huyện sẽ phối hợp thực hiện hiệu quả Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long” (Dự án ICRSL) với hợp phần chứng nhận tôm sinh thái đạt chuẩn EU Organic tại 03 “xã đảo” là Long Khánh, Đông Hải, Long Vĩnh với quy mô vùng nuôi 1.500ha (với 50 tổ cộng đồng hợp tác, có 1.500 hộ dân tham gia), nhằm hỗ trợ nông dân thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị ngành tôm với các chủ thể tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm là Công ty Cổ phần thủy sản Cửu Long và Công ty Thái Hòa.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đề xuất, tranh thủ sự hỗ trợ của cấp có thẩm quyền triển khai Dự án “Phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển đồng bằng sông Cửu Long” có quy mô 750ha gồm: khu vực La Ghi - vàm Rạch Cỏ, xã Long Vĩnh quy mô 500ha; khu vực Nông trường Giồng Sọ, xã Đông Hải, quy mô 250ha.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.