10/03/2022 11:50
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế, tiềm năng ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân: doanh nghiệp (DN), hộ sản xuất và kinh tế tập thể thực hiện. Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2019 đến nay, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, tuy nhiên kết quả mang lại chưa tương xứng với tiềm năng.
Bài 1: Giải pháp góp phần tăng giá trị nông sản
Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 80 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận. Trong đó, năm 2019 công nhận 30 sản phẩm (03 sản phẩm 04 sao và 27 sản phẩm 03 sao); năm 2020, công nhận 26 sản phẩm (10 sản phẩm 04 sao, 16 sản phẩm 03 sao) và năm 2021 là 24 sản phẩm 03 sao. Trong 80 sản phẩm đã được công nhận, 05 sản phẩm có tiềm năng đạt 05 sao (sản phẩm cấp quốc gia).
Bà Mai Hoàng Lý, chủ cơ sở Bánh tét Hai Lý (Cầu Ngang) với sản phẩm bánh tét - Sản phẩm OCOP đạt 4 sao.
Đối với tỉnh, các sản phẩm OCOP không chỉ tạo cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương mà còn giúp phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng tăng giá trị nông sản; là các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ xuất phát từ ý tưởng/nguồn nguyên liệu/công nghệ của cộng đồng, do các thành viên trong cộng đồng tổ chức sản xuất, kinh doanh. Do vậy, việc hỗ trợ để có nguồn nguyên liệu dồi dào; giúp sản phẩm OCOP “sống lâu”, bền vững, tăng giá trị thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) có vai trò quyết định. Do vậy, Nhà nước có vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Trên cơ sở đó, ngày 27/9/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 1905/QĐ-UBND về ban hành Đề án “Phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020”. Đề án xác định hướng trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương, đảm bảo theo chỉ đạo của Trung ương. Từ đó, Sở NN-PTNT tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nhiều nghị quyết có liên quan nhằm thúc đẩy chương trình: Nghị quyết số 78/2018/NQ-HĐND, ngày 07/12/2018 của HĐND tỉnh phê duyệt chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 82/KH-UBND, ngày 08/11/2019 của UBND tỉnh về phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Trà Vinh đến năm 2025...
Ông Phạm Minh Truyền chia sẻ: “con đường” để hoàn thành một sản phẩm OCOP vẫn còn những hạn chế; một ít chủ thể chưa chủ động tham gia Chương trình, chưa xác định đúng giá trị của sản phẩm OCOP; xem tham gia Chương trình là theo yêu cầu của chính quyền địa phương; thiếu gắn kết với hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường. Ứng dụng khoa học - công nghệ hạn chế, các sản phẩm OCOP chủ yếu là sơ chế hoặc chế biến đơn giản, nên giá trị tăng thấp. Quy trình và công nghệ chế biến đơn giản, có nơi còn lạc hậu và chưa đảm bảo đầy đủ các qui định, yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Mẫu mã, bao bì sản phẩm đơn giản, chưa phong phú, hấp dẫn; nhiều sản phẩm chưa xây dựng tem truy xuất nguồn gốc. Phần lớn các chủ thể có sản phẩm đạt 3 sao là do cơ sở qui mô nhỏ, chưa có giấy chứng nhận quản lý chất lượng tiên tiến theo yêu cầu (ISO/GMP/HACCP). |
Bám sát các nghị quyết, thực hiện theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Sở NN-PTNT đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo nguồn nguyên liệu dồi dào “nuôi sản phẩm OCOP”. Sở đã xây dựng bộ tài liệu tập huấn Chương trình OCOP và triển khai toàn tỉnh; giai đoạn 2019-2021, tổ chức 43 lớp, có 1.158 lượt người dự; tập trung đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng đến cán bộ và doanh nghiệp (DN); đồng thời, tiếp thu, chia sẻ kinh nghiệm thực tế, thông tin từ chủ thể, DN. Mặt khác, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông của tỉnh xây dựng các chuyên mục về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, XDNTM, Chương trình OCOP để tuyên truyền và khuyến cáo các tổ chức, DN, người dân tham gia thực hiện.
Chương trình OCOP đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp từ tỉnh, huyện và xã, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò của các sở, ngành tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm. Qua đó, các địa phương đã xác định tiềm năng, thế mạnh để hỗ trợ phù hợp nhằm phát triển sản phẩm OCOP; đặc biệt, bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống nông thôn; các loại hình sản xuất ở nông thôn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiệu quả; tỷ trọng các lĩnh vực kinh tế tăng và ổn định; thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn; nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn.
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: phát triển sản phẩm OCOP là một trong những giải pháp góp phần tăng giá trị nông sản địa phương. Điều này chứng minh rõ nét là từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sản xuất của người dân; song lĩnh vực nông nghiệp vẫn “trụ” và “gánh” cho một số lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp.
Chương trình OCOP tuy mới triển khai từ năm 2019, nhưng đã phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của nông dân, xây dựng mối liên kết phát triển kinh tế cộng đồng bền vững, tạo nhiều sản phẩm hàng hóa chất lượng cao mang thương hiệu lợi thế mỗi huyện, mỗi xã giúp nông dân giải quyết những vấn đề căn cơ trong giải pháp thực hiện giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập. Thực tế, những sản phẩm đạt OCOP, nhất là sản phẩm 4 sao, được tham gia vào các siêu thị, nhà hàng, xúc tiến thương mại… doanh số tăng. Từ đó, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến lộ trình XDNTM của tỉnh trong thời gian qua.
Nhằm giúp sản phẩm OCOP tiếp tục giữ vai trò quan trọng, là một trong những giải pháp góp phần tăng giá trị nông sản địa phương, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có thêm 100 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 - 4 sao; trong đó lựa chọn từ 05 - 07 sản phẩm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng đạt 5 sao (sản phẩm cấp quốc gia). Do đó, Sở tăng cường củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được phân hạng. Phát triển các hợp tác xã, DN nhỏ và vừa, phấn đấu ít nhất có 30% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 70% chủ thể OCOP là các DN, công ty và hộ kinh doanh. Phấn đấu có 04 Dự án phát triển sản phẩm OCOP theo hướng liên kết trong sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.