12/09/2023 16:23
Ông La Quốc Yên, Giám đốc HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng (thứ 2, bên phải) kiểm tra lúa giống trước khi bàn giao cho nông dân sản xuất theo chuỗi liên kết.
Đặc biệt, trong lĩnh vực mặt hàng gạo, có tới 07 sản phẩm được công nhận OCOP trên địa bàn các xã Long Hòa, Hưng Mỹ, Mỹ Chánh (huyện Châu Thành); xã Tân Hùng (huyện Tiểu Cần); xã Ngọc Biên, Long Hiệp (huyện Trà Cú) và xã Huyền Hội (huyện Càng Long); với các sản phẩm OCOP đã xây dựng được chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm (lúa) với nông dân. Từ đó, giá trị mang lại trong sản xuất không ngừng tăng và ổn định; giúp các hợp tác xã (HTX) phát triển và đưa ra sản phẩm chất lượng ngày càng cao, đáp ứng với thị trường…
Ông La Quốc Yên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng (xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành) cho biết: với sản phẩm gạo hữu cơ “Hạt ngọc Châu Long” của HTX được công nhận đạt OCOP 4 sao đã tác động rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm; đặc biệt là các thành viên tham gia sản xuất lúa cũng được gia tăng thêm giá trị khi ký hợp đồng sản xuất cho HTX.
Trước đây, các hộ sản xuất lúa bên ngoài chưa liên kết và sản phẩm gạo chưa được công nhận đạt OCOP, người sản xuất (trồng lúa) gặp rất nhiều khó khăn, giá bán luôn bị thị trường chi phối và tăng, giảm thất thường. Khi HTX xây dựng được thương hiệu sản phẩm đạt OCOP, các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh múng nay được liên kết lại, theo từng tổ sản xuất và sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng (sản xuất hữu cơ) và gắn kết thành chuỗi sản xuất, có bao tiêu giá…
Hiện HTX nông nghiệp - thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng có 197 thành viên tham gia liên kết sản xuất trên diện tích 210ha với 03 vùng sản xuất chính: cù lao Long Hòa 31,9ha/33 hộ; xã Hưng Mỹ 162ha/131 hộ và xã Hòa lợi 40ha/30 hộ theo hướng hữu cơ. Qua đó, sản phẩm gạo hữu cơ của HTX đã giúp đưa giá sản phẩm (lúa cân tại ruộng) thu mua của nông dân cao hơn thị trường từ 600 - 700 đồng/kg.
Đồng chí Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ: thông qua các sản phẩm OCOP đã góp phần khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của các địa phương để phát triển kinh tế nông thôn; đồng thời, các sản phẩm đã phát triển gắn kết được với vùng nguyên liệu, đặc sản của vùng quê, làng nghề của địa phương... Từng bước hướng nông dân sản xuất gắn kết vào chuỗi liên kết, tạo sản phẩm đạt chất lượng, sản lượng ổn định cùng nâng tầm giá trị cho các sản phẩm OCOP; góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân nông thôn, qua đó nâng cao mức sống cho dân cư nông thôn.
Đối với một số đặc sản sau khi phát triển nâng lên sản phẩm OCOP đã giúp cho nhiều nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất để gia tăng giá trị sản phẩm khá cao. Điển hình như sản phẩm OCOP 3 sao: chuối tá quạ sấy khô (HTX nông nghiệp Tân Qui, xã An Phú Tân) và chuối tá quạ tươi (HTX nông nghiệp Tam Ngãi) huyện Cầu Kè, sau khi được công nhận OCOP đã đem lại giá trị gia tăng rất cao cho người trồng chuối trên địa bàn huyện.
Ông Trần Văn Nghĩa, Giám đốc HTX nông nghiệp Tam Ngãi chia sẻ: hiện nay, nhà vườn mở rộng diện tích trồng chuối tá quạ rất nhiều và đã xây dựng được chuỗi liên kết với HTX để tiêu thụ sản phẩm. Giá trị của chuối tá quạ tăng khoảng 25 - 30% so với trước đây khi chưa có OCOP (khoảng 1.500 - 2.000 đồng/trái tương đương 2.000 - 2.500 đồng/kg chuối). Diện tích chuối tá quạ của địa phương đang được trồng khoảng 05ha (trong đó có 02ha chuyên canh), bình quân 01ha trồng khoảng 3.500 - 4.000 cây chuối, cho năng suất từ 17 - 20 trái/buồng chuối và giá bán hiện nay HTX thu mua dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/trái (tương đương 10.000 - 11.000 đồng/kg chuối).
Được biết, thời gian tới, HTX nông nghiệp Tam Ngãi đang vận động nhà vườn tận dụng các diện tích vườn cây già cỏi, kém hiệu quả để mở rộng diện tích chuối tá quạ thêm 03ha, tập trung ở các ấp Bưng Lớn A, Ngãi Nhất và Ngãi Nhì… nhằm tạo nguồn nguyên liệu ổn định và sản xuất theo hướng chuyên canh, có đầu tư trong chăm sóc, ứng dụng kỹ thuật vào canh tác.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.