10/05/2022 13:58
Qua hơn 03 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) và 07 năm triển khai xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp và của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của Nhân dân và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP và hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trên địa bàn tỉnh, qua đó đã tạo lượng hàng hóa đáng kể, sản phẩm ngày càng đa dạng, nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Bà Cao Thị Hồng Gấm, Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải thăm gian hàng của thị xã nhân dịp tham dự hội chợ triển lãm Thương mại sản phẩm công nghiệp nông thôn - OCOP Trà Vinh năm 2022.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: số lượng sản phẩm đạt OCOP còn ít so với tiềm năng; chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng thị trường lớn và nhu cầu xuất khẩu, nhãn hiệu được xây dựng nhưng việc quảng bá sản phẩm trở thành thương hiệu chưa phát huy, còn nhiều địa phương tuy có sản phẩm chất lượng, nhưng chưa được chứng nhận OCOP. Ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, giá trị gia tăng thấp, mẫu mã bao bì sản phẩm đơn giản, chưa phong phú và hấp dẫn; nhiều sản phẩm chưa xây dựng tem truy xuất nguồn gốc...
Nguyên nhân do nhận thức và trách nhiệm của một số ngành, địa phương chưa đầy đủ, chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, cũng như chưa huy động sự tham gia đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chưa phát huy vai trò tham gia chủ động của các chủ thể kinh tế và người dân, chưa khơi dậy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, thiếu nhân lực; công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền chưa sâu và thiếu thường xuyên, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa liên kết theo chuỗi giá trị. Cơ quan, cán bộ chuyên môn được phân công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ thiếu tập trung; hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng của chủ thể (cấp xã) và đơn vị hướng dẫn thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình OCOP, đa số thực hiện chậm, thiếu chủ động.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm theo hướng bền vững, nhằm khai thác tiềm năng thế mạnh sản phẩm hàng hóa của tỉnh, tăng sức cạnh tranh và tiêu thụ hàng hóa trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của Nhân dân, ngày 13/4/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm, hiệu quả nội dung Chỉ thị số 20.
Để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20, các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ thể kinh tế và Nhân dân về sự cần thiết và tính cấp bách đối với công tác xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và Chương trình OCOP; quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các chủ trương về thực hiện Chương trình OCOP và xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm cho cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, quần chúng Nhân dân thực hiện; xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM gắn với cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển khu vực nông thôn theo chuỗi giá trị; đây là nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong, ngoài tỉnh và phục vụ thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh, nâng cao chất lượng xã nông thôn mới.
Song song đó, tập trung xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cho các sản phẩm đạt OCOP, có nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; chú trọng đưa sản phẩm vào các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... trong và ngoài tỉnh. Tăng cường liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với doanh nghiệp. Xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP cấp hộ, cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp vùng, cấp quốc gia, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, gắn với giá trị văn hóa truyền thống, hình ảnh quê hương, con người Trà Vinh.
Quan tâm đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm hàng hóa chủ lực như: hỗ trợ tư vấn tạo lập, đăng ký và bảo hộ tài sản trí tuệ; hỗ trợ áp dụng các thiết bị cải tiến năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp; hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm, thường xuyên quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển du lịch; xây dựng các cửa hàng để giới thiệu, trưng bày và kinh doanh các sản phẩm OCOP nhằm tạo ý thức và thói quen cho người tiêu dùng sử dụng sản phẩm OCOP rộng rãi, vì sức khỏe cộng đồng và thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Song song đó, tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất các sản phẩm; đổi mới, đa dạng sản phẩm; ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin vào sản xuất và quản lý, điều hành. Hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm ngang bằng các tiêu chuẩn trong khu vực và cả nước.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Sáng ngày 21/12, Hội Kiến trúc sư (KTS) tỉnh Trà Vinh tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2025 - 2030. KTS Nguyễn Trường Lưu, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam; ông Trần Bình Trọng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Trà Vinh và lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Trà Vinh đến dự.