02/09/2021 09:44
Ngày 28/8, bệnh VDNC trên bò đã xảy ra tại 04/09 huyện, thị xã, thành phố (Trà Cú, Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành) trên địa bàn 27 ấp của 10 xã, phường, thị trấn. Trong đó, nghi, mắc bệnh 262 con bò/tổng đàn 815 con, của 131 hộ chăn nuôi; đã thực hiện tiêu hủy 06 con (trọng lượng 1.246kg).
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh, thời gian tới, nguy cơ dịch bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh có khả năng phát sinh và lây lan rất cao, nhất là điều kiện thời tiết hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho các vật chủ trung gian truyền bệnh (ruồi, muỗi, ve, mòng…) phát triển, phát tán mầm bệnh. Tổng đàn trâu, bò của tỉnh lớn; tập quán nuôi còn chăn thả trên những cánh đồng, bãi chăn thả chung nên nguy cơ mầm bệnh dễ lây lan ra diện rông. Các địa phương và người chăn nuôi cần tăng cường kiểm tra, giám sát trong chăn nuôi; vận chuyển gia súc…
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trà Vinh kiểm tra tình hình bệnh VDNC trên bò tại hộ bà Thạch Thị Thụy, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải.
Trước tình hình bệnh VDNC xảy ra đang có chiều hướng lây lan nhanh cho các hộ nuôi gia súc trên địa bàn huyện Trà Cú, đến ngày 25/8 đã có 140 con/tổng đàn 474 con của 75 hộ chăn nuôi có bò bị bệnh VDNC.
Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trà Cú, ngày 21/8/2021, UBND huyện ban hành Quyết định số 2958/QĐ-UBND, về việc công bố dịch bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn huyện Trà Cú (phạm vi công bố trên địa bàn toàn huyện) và UBND huyện ban hành Quyết định số 2968/QĐ-UBND, ngày 23/8/2021 về việc thành lập Đội xử lý, tiêu hủy gia súc và ứng phó nhanh dịch bệnh VDNC ở trâu, bò trên địa bàn huyện. Huyện đã tổ chức cấp phát 40 lít thuốc sát trùng và hướng dẫn hộ nuôi có bò mắc bệnh thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc nơi nuôi, giữ gia súc và khu vực xung quanh chuồng nuôi; đồng thời hướng dẫn hộ chăn nuôi phun thuốc diệt côn trùng (ruồi, muỗi, ve, mòng...) tại khu vực chăn nuôi bò để tiêu diệt tác nhân truyền bệnh.
Ghi nhận thực tế hiện nay tại các địa phương có bò bị bệnh VDNC, việc ngành chuyên môn và chính quyền địa phương vận động để tiêu hủy theo quy định gặp nhiều khó khăn. Riêng trên địa bàn huyện Trà Cú, qua vận động 69 hộ nuôi có bò bệnh để thực hiện tiêu hủy theo quy định; kết quả có 02/69 hộ đồng ý tiêu hủy bò bệnh, còn lại 67 hộ không đồng ý tiêu hủy. Theo các hộ nuôi có bò bị bệnh VDNC do đây là tài sàn lớn của gia đình, mức hỗ trợ tiêu hủy đối với bò mắc bệnh không đủ để hộ tái sản xuất trong chăn nuôi, nên đa số các hộ đều giữ lại bò để điều trị.
Bò bị VDNC đều có triệu chứng lâm sàng như: sốt cao (có thể trên 410C), mất tính thèm ăn hoặc bỏ ăn, giảm tiết sữa; da nổi các nốt sần/cục có đường kính từ 01-05cm (thường xuất hiện đầu tiên ở vùng đầu, cổ), số lượng nốt sần/cục có thể thay đổi từ vài nốt (trường hợp nhẹ) đến rất nhiều (trường hợp nặng) mọc khắp cơ thể, các nốt sần lớn có thể bị hoại tử và cuối cùng là xơ hóa và tồn tại trong vài tháng, để lại các vết sẹo có thể tồn tại vĩnh viễn; loét ở mõm, môi và trong miệng, mũi; tăng tiết dịch tại mắt, mũi, chảy nhiều nước bọt, sưng hạch bạch huyết bề mặt (hạch trước vai, hạch sau đùi); bò đực có thể bị vô sinh vĩnh viễn hoặc tạm thời, bò mang thai có thể sẩy thai.
|
Còn trên địa bàn huyện Duyên Hải, từ ngày 15-23/8/2021, bệnh VDNC trên bò đã xuất hiện ở ấp La Bang Chợ, xã Đôn Châu; ấp Trà Khúp, xã Ngũ Lạc có 03/13 con bò của 03 hộ nuôi bị nghi nhiễm bệnh VDNC. Theo hộ bà Thạch Thị Thụy, ấp Trà Khúp, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải, gia đình nuôi 03 con bò, trong này có 01 con bò xuất hiện các triệu chứng trên da nổi các nốt sần từ ngày 22/8 và sau đó phát triển lớn tạo thành những vết loét, gây hoại tử tại một số vùng trên lưng và bụng của bò.
Cũng theo ông Lê Văn Đông, để tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh VDNC trên địa bàn tỉnh. Đối với các địa phương đang xảy ra dịch bệnh VDNC, tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức về tình hình dịch bệnh; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC cho hộ chăn nuôi. Phối hợp với các địa phương tăng cường lực lượng để kiểm tra, giám sát đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi, khi phát hiện bệnh VDNC, tiến hành xác minh, lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh; yêu cầu hộ ký cam kết quản lý đàn bò mắc bệnh và nghi mắc bệnh tại chuồng nuôi, không được nhập đàn mới; không được vận chuyển, giết mổ, mua bán và chăn thả ra đồng; cách ly những con bò mắc bệnh, không nhốt chung với những con bò khỏe mạnh chưa biểu hiện bệnh. Vận động hộ chăn nuôi có bò bị bệnh, thực hiện tiêu hủy theo quy định. Thành lập các chốt kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn các xã xảy ra bệnh VDNC, hoạt động 24/24 giờ, nhằm kiểm tra, kiểm soát tình hình vận chuyển trâu, bò; sản phẩm từ trâu, bò ra, vào địa bàn có dịch.
Đối với các địa phương chưa có dịch xảy ra, cần thực hiện công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Công văn số 3682/UBND-NN, ngày 26/8/2021 về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò. Đối với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện nhằm khống chế kịp thời không để dịch bệnh lây ra diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ các loại vắc-xin, hóa chất, vật tư, trang thiết bị,... để đáp ứng đủ nhu cầu cho địa phương trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.