30/10/2024 15:54
Chị Trương Tuyết Ngọc với sản phẩm me hạt dẻo (OCOP 3 sao), được hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp để phát triển sản phẩm.
Trong 09 tháng năm 2024, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển đã đầu tư giải ngân 10,738 tỷ đồng, với 1.639 thành viên vay. Mỗi thành viên tham gia sẽ nhận vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển từ 05 - 10 triệu đồng/thành viên và thực hiện hoàn trả dần theo từng tháng (vốn gốc và lãi).
Chị Thạch Thị Hoa Ry, ngụ Ấp II, xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè phấn khởi cho biết: gia đình thuộc diện hộ khó khăn, hàng ngày nguồn thu nhập của gia đình dựa vào việc mua bán trái cây, bông tại chợ. Những năm qua, để có đồng vốn lập nghiệp, gia đình được Hội LHPN xã hỗ trợ vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển; đến nay, đã nhận được 02 lần vốn hỗ trợ (lần đầu 07 triệu đồng và lần thứ 02 được 10 triệu đồng). Với số vốn được vay, đã giúp gia đình mua được nhiều mặt hàng trái cây, bông về bán; nhờ trả dần hàng tháng (vốn gốc và lãi) nên sau khi kết thúc 01 chu kỳ vay, gia đình tích lũy được đồng vốn tái đầu tư lại trong mua bán.
Qua trao đổi với chúng tôi, đồng chí Huỳnh Thị Diễm My, Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Thạnh cho biết: từ năm 2016 đến nay, thông qua nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển đã tác động tích cực vào phát triển kinh tế hộ của hội viên phụ nữ trên địa bàn xã; đặc biệt là chị em hội viên dân tộc Khmer (chiếm trên 60%), trên 95% chị em sử dụng vốn (từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển và vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội) đều làm ăn có hiệu quả và tích lũy trong tái đầu tư phát triển kinh tế của gia đình sau khi trả vốn. Trong 09 tháng năm 2024, Hội LHPN xã Phong Thạnh đã giải ngân cho 148 lượt thành viên vay từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển, với số vốn 1,71 tỷ đồng.
Thông qua các nguồn vốn hỗ trợ trong phát triển kinh tế hộ của hội viên phụ nữ trên địa bàn huyện Cầu Kè, nhiều hội viên đã mạnh dạn đầu tư và tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa OCOP gắn với đặc sản của địa phương; đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Chị Trương Tuyết Ngọc, ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân chủ cơ sở sản xuất me hạt dẻo Tuyết Ngọc (sản phẩm OCOP 3 sao) chia sẻ: nhờ có nguồn vốn khởi nghiệp được Hội LHPN huyện hỗ trợ (50 triệu đồng), bản thân đã đầu tư thêm cho sản phẩm me hạt dẻo và từng bước hoàn thiện sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Hiện sản phẩm của cơ sở đã được thị trường tín nhiệm cao và sức tiêu thụ khá ổn định (từ 1,3 - 1,5 tấn sản phẩm/năm).
Cũng theo chị Trương Tuyết Ngọc, do đặc điểm mùa vụ của me trái chỉ có 01 vụ/năm, nên đòi hỏi phải có nguồn vốn lưu động để thu mua me trái lưu trữ và dùng chế biến dần. Hiện giá me trái (chín) khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg; để sản xuất 01 tấn me hạt dẻo thành phẩm, chi phí khoảng 50 - 60 triệu đồng. Với sự hỗ trợ nguồn vốn khởi nghiệp của Hội đã giúp cho cơ sở sản xuất, cung ứng sản phẩm kịp thời tới khách hàng.
Đồng chí Trần Thị Như Anh, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Ân cho biết: với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ Phụ nữ phát triển tuy số vốn đầu tư không lớn (dao động từ 05 - 12 triệu đồng/thành viên), nhưng mang lại hiệu quả rất lớn, đây còn là mô hình phát triển kinh tế hộ có ý nghĩa rất lớn trong việc chia sẻ, giúp nhau của từng thành viên khi nhận vốn; mỗi khi tới tháng hoàn vốn, nếu thành viên gặp khó khăn sẽ được các thành viên cùng đóng góp hỗ trợ và người được cho mượn sẽ trả lại sau. Do đặc điểm xã Hòa Ân có trên 60% đồng bào Khmer nên Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao trong hội viên. Hiện tổng vốn từ Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển đã cho vay hơn 01 tỷ đồng/196 thành viên/33 nhóm.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Trong 09 tháng năm 2024, Công ty Nhiệt điện Duyên Hải đã nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ EVNGENCO1 giao. Trên cơ sở đó, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ kinh doanh năm 2024, tạo nền tảng để xây dựng Công ty phát triển bền vững trong những năm tiếp theo.