26/10/2023 14:35
Đầu tư nhà lưới và trang bị hệ thống tưới phun sương tự động của thành viên tổ hợp tác trồng rau an toàn của phụ nữ ấp Phố, xã Quảng Hữu, huyện Trà Cú.
Theo đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh: Hội LHPN tỉnh thực hiện nhiều hoạt động tuyên truyền vận động hội viên, phụ nữ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất, kinh doanh, ứng dụng công nghệ trong triển khai thực hiện công tác Hội. Hội xác định việc ứng dụng tiến bộ KHKT, KHCN sẽ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mới, sản phẩm được cải tiến giúp tăng thu nhập, lợi nhuận và chiếm ưu thế cạnh tranh. Đồng thời, việc ứng dụng tiến bộ KHKT, KHCN sẽ giúp tăng khả năng đối phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Đặc biệt, đồng hành thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Hội LHPN tỉnh đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ như: hội thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” được tổ chức hàng năm, tổ chức nhiều hội thảo chia sẻ mô hình ứng dụng KHKT trong chế biến thực phẩm, mô hình khởi nghiệp thành công, kết nối nguồn lực để ươm tạo các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, kết nối giới thiệu sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Đồng thời, Hội đã vận động thành lập câu lạc bộ nữ doanh nhân trực thuộc Hội có 29 thành viên, ứng dụng các tiến bộ của KHCN trong sản xuất, kinh doanh, phối hợp Trường Đại học Trà Vinh tổ chức kiểm nghiệm 30 sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp để cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm và đăng ký nhãn hiệu, đủ điều kiện để công nhận sản phẩm OCOP. Đến nay, toàn tỉnh đã có 184 sản phẩm OCOP, có 42 chủ thể OCOP là phụ nữ với 61 sản phẩm đa chủng loại, trong đó có nhiều sản phẩm tham gia vào hệ thống sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia thông tin thêm: xác định tiềm năng và lợi thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp và XDNTM, nhiều phụ nữ chủ động tham gia các hoạt động nâng cao năng lực, mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT, làm chủ quy trình sản xuất, mạnh dạn bước vào lĩnh vực khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, tạo sản phẩm, hàng hóa chất lượng cao, mang thương hiệu địa phương, đạt chuẩn OCOP, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng.
Tiêu biểu trên lĩnh vực này có: Chị Thạch Thị Chal Thi (huyện Tiểu Cần) với mô hình khởi nghiệp từ cây dừa, ứng dụng KHKT tiên tiến trong quy trình làm ra các sản phẩm: Mật hoa dừa, đường hoa dừa, Cacao, nước uống mật hoa dừa; Chị Mai Thị Hoàng Loan (huyện Cầu Ngang) ứng dụng công nghệ sản xuất bánh tét ba màu, bánh tét thập cẩm đảm bảo thời gian bảo quản, an toàn về chất lượng; Chị Nguyễn Thị Tường Vy (thành phố Trà Vinh) xuất phát từ những trăn trở làm sao để tiêu thụ số lượng lớn cá lóc tại địa phương, chị nghiên cứu, thử nghiệm và ứng dụng kỹ thuật để khởi nghiệp từ mô hình sản xuất khô cá lóc theo phương pháp truyền thống. Nay chị đã thành công cho ra thị trường nhiều sản phẩm sạch từ cá lóc như: chà bông cá lóc, chả cá lóc, khô cá lóc ướp gia vị. Chị Lâm Ngọc Tú (huyện Cầu Kè), ứng dụng tiến bộ KHCN tạo nhiều sản phẩm từ dừa sáp được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng; Chị Lâm Mộng Thúy (thành phố Trà Vinh) đã ứng dụng công nghệ sản xuất thành công và cho ra thị trường sản phẩm mới như: dầu dừa hoa hồng, dầu dừa nguyên chất… Còn rất nhiều mô hình hiệu quả từ việc ứng dụng các tiến bộ KHKT vào quy trình sản xuất và chế biến, từ đó từng sản phẩm được nâng tầm về chất lượng và giá thành khi tham gia thị trường. |
Theo chị Lâm Mộng Thúy, để sản phẩm dầu dừa có thể cạnh tranh với thị trường, chị không ngừng học hỏi, nghiên cứu tài liệu và tìm hiểu các thiết bị sản xuất dầu dừa mà vẫn giữ được nguyên chất. Trong đó, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất dầu dừa sạch, an toàn sức khỏe, đặc biệt cơ sở sản xuất dầu dừa từ công nghệ enzyme kết hợp với lên men tự nhiên đã làm cho sản phẩm khác biệt với các sản phẩm dầu dừa trên thị trường hiện nay. Được tư vấn đăng ký sản phẩm dầu dừa đạt chuẩn OCOP giúp cơ sở mở rộng sản xuất và thị trường tiêu thụ, nhất là tham gia vào hệ thống siêu thị.
Bên cạnh, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh tập trung vào các hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, phát huy thế mạnh, sở trường của chị em phụ nữ và tạo cơ hội tốt nhất để phụ nữ phát huy nội lực, tự tạo việc làm, phát triển kinh tế. Thực hiện các đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nhiều hội viên phụ nữ là nông dân mạnh dạn ứng dụng mô hình trồng rau trong nhà lưới, tiêu biểu như chị Phạm Thị Hoàng, ấp Sa Văng, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, từ sản xuất nhỏ lẻ chị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà lưới, hệ thống phun tưới chăm sóc rau màu, từ đó năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng lên, tăng thu nhập kinh tế gia đình, mô hình tổ hợp tác trồng màu ấp Phố, xã An Quảng Hữu, trang bị nhà lưới và hệ thống tưới phun tiết kiệm nước. Ngoài ra, còn các mô hình nuôi gà sử dụng đệm lót sinh học, tổ phụ nữ nuôi tôm công nghiệp, công nghệ cao, nuôi heo sử dụng hầm ủ biogas…
Đồng chí Huỳnh Thị Sô Phia cho biết, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh. Tổ chức các hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Tăng cường phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ về sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm do phụ nữ tham gia quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, hội viên phụ nữ kiến thức mới về KHCN, gắn với các mô hình sản xuất, kinh doanh của hội viên có khả năng ứng dụng vào thực tế, giúp phụ nữ tự tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: NGỌC XOÀN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.