15/04/2021 16:06
Chị Nguyễn Thị Nhịnh, ấp Mỹ Thập thu hoạch ớt.
Là địa phương có diện tích trồng màu khá lớn của huyện và hơn 80% lực lượng nữ tham gia sản xuất nông nghiệp, nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Mỹ Long Bắc phối hợp triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ phụ nữ vay vốn, vận động các chị tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con giống có năng suất, hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất. Nhờ vậy, nhiều chị em đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp và đạt hiệu quả cao, giúp đời sống kinh tế cải thiện đáng kể. Từ khi thực hiện thâm canh tăng 03 vụ trên cùng đơn vị diện tích (01 vụ lúa - 02 vụ màu) kết hợp với chăn nuôi đã xuất hiện nhiều hội viên, phụ nữ làm kinh tế giỏi, thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/hộ/năm.
Song song đó, hội viên, phụ nữ trên địa bàn tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh, mở các cửa hàng, dịch vụ để phục vụ Nhân dân tại địa phương, mua bán các mặt hàng do Nhân dân sản xuất với quy mô ngày càng mở rộng, tiêu biểu như gia đình chị Nguyễn Thị Thu Thủy, ấp Mỹ Thập; chị Võ Thị Nhản, ấp Hạnh Mỹ,... qua đó, góp phần thúc đẩy thương mại - dịch vụ của xã phát triển, giải quyết việc làm lao động nông thôn, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Đến ấp Mỹ Thập, xã Mỹ Long Bắc, đây là vùng chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang trồng 02 vụ màu - 01 vụ lúa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nhịnh, ấp Mỹ Thập cho biết: từ khi chuyển đổi sang trồng màu, kinh tế gia đình ngày càng ổn định, sản phẩm làm ra có nơi tiêu thụ, lợi nhuận cao gấp 03 - 04 lần so với trồng lúa. Với 1.000m2 đất sản xuất, vụ màu năm 2021, chị trồng ớt chỉ thiên 500m2, còn lại 500m2 trồng cỏ nuôi 05 con bò sinh sản, bò thịt. Do điều kiện ít đất nên lợi nhuận từ việc trồng màu không nhiều. Với diện tích ớt đang cho thu hoạch 02 lần/tuần, khoảng 20 - 30kg/lần, giá bán 13.000 đồng/kg, thu hoạch ớt cổ 1 xong chị đã thu hồi vốn, phần lợi nhuận hy vọng ở cổ 2 và cổ 3 giá ớt lên cao sẽ lợi nhuận cao. Thời gian tới, chị mong Hội LHPN các cấp quan tâm hỗ trợ vốn vay giúp chị có điều kiện xây dựng, mở rộng chuồng trại nuôi bò, tăng thu nhập, thúc đẩy kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Ngọc Xương ngụ cùng ấp cho biết: với gần 0,7ha đất cát, hàng năm chị trồng 02 vụ dưa hấu, bí đỏ và 01 vụ lúa, lợi nhuận 30 - 40 triệu đồng/ha. Trồng màu chỉ tốn công chăm sóc, lại chủ động thời gian, giải quyết được công việc nhàn rỗi cho mỗi thành viên trong gia đình. Riêng vụ dưa hấu năm 2021, chị trồng 0,5ha dưa hấu, số còn lại chị trồng cỏ để nuôi 08 con bò sinh sản. Tuy giá dưa hấu năm nay đạt mức khá 7.500 đồng/kg, nhưng chỉ thu hồi vốn, do xuống giống sớm vào thời điểm giáp tết Nguyên đán gặp thời tiết lạnh nhiều nên dưa hấu bị bệnh từ bi, năng suất giảm nhiều. Hiện nay, chị đã xuống giống vụ màu mới chủ yếu dưa hấu và ớt trên diện tích 0,6ha, đang phát triển tốt.
Đi đôi với việc vận động hội viên, phụ nữ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Hội LHPN xã kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy, đặc biệt chú trọng công tác kết nạp hội viên, trong nhiệm kỳ qua đã kết nạp mới 559 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn xã đến nay 1.265 hội viên, đạt 55,19% so phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, tăng 05% so với nhiệm kỳ trước. Tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát, phản biện xã hội và công tác giải quyết đơn thư của Hội, 05 năm qua, Hội LHPN xã đã tham gia hòa giải thành công 15 vụ hôn nhân gia đình, 98 vụ tranh chấp đất đai. Ngoài ra, Hội còn đa dạng hóa các mô hình thu hút, tập hợp hội viên thông qua hoạt động của các mô hình, đến nay xã có 03 tổ góp vốn quay vòng, nuôi heo đất tiết kiệm, tổ tiết kiệm tín dụng,… qua đó tạo nguồn vốn vay chủ động cho hội viên phát triển kinh tế xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Đến nay, tổng dư nợ của Hội quản lý trên 9,032 tỷ đồng, tăng 3,36 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ; vận động chị em tham gia tổ tiết kiệm xoay vòng vốn tại các chi hội được 06 tổ với 109 hội viên tham gia với số tiền 327 triệu đồng. Kết quả đánh giá phân xếp loại có 05 chi hội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 01 chi hội hoàn thành tốt nhiệm vụ; Hội LHPN xã nhiều năm liền được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Bà Dương Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội LHPN xã Mỹ Long Bắc cho biết: việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên một số diện tích đã chứng minh được hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ dân. Để giúp hội viên, phụ nữ nâng cao hiệu quả kinh tế trong thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp, Hội tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi cây trồng theo hướng hàng hóa, chú trọng chuyển đổi diện tích đất trồng lúa năng suất, hiệu quả thấp sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, tích cực kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, hợp tác xã và cung cấp những loại cây trồng mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và có hiệu quả kinh tế cao và góp phần tạo đầu ra sản phẩm và đẩy mạnh phát triển nông nghiệp của địa phương. Đồng thời tạo mọi điều kiện giúp 11 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo trong năm 2021, góp phần cùng địa phương xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.