09/12/2020 15:00
Nông dân Nguyễn Văn Bé (trái) chia sẻ với cán bộ nông nghiệp xã về hiệu quả đất lúa chuyển sang trồng màu thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diện tích trồng lúa hàng năm của xã Phước Hảo khoảng 1.500ha (600ha sản xuất 03 vụ và 900ha sản xuất lúa 02 vụ) và 400ha trồng màu, được phân bố chủ yếu ở các ấp: Đa Hậu, Ngãi Hòa, Vang Nhứt và một phần ấp Trà Cuôn; ngoài ra, xã còn phát triển diện tích nuôi thủy sản khoảng 120ha dọc theo Tỉnh lộ 915B và rạch Trà Cuôn… Vụ lúa đông - xuân 2019-2020, xuống giống 628ha (thiệt hại do hạn, mặn 553ha), thu hoạch 75ha, năng suất 02 tấn/ha. Trước những tác động của BĐKH, xã đã tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, theo đó, đã phối hợp với các ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động người dân trong vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ 02 vụ lúa sang 01 vụ lúa + 01 vụ thủy sản tại 03 ấp: Trà Cuôn, Vang Nhứt và Hòa Hảo, nhằm giúp nông dân từng bước mang lại giá trị sản xuất cao hơn so với sản xuất 02 vụ lúa bấp bênh tại khu vực thường xuyên tiếp giáp mặn và có tranh chấp mặn (khu vực Tỉnh lộ 915B).
Nông dân Nguyễn Văn Bé, ấp Đa Hậu, xã Phước Hảo chia sẻ: gia đình có 01ha đất trồng lúa, trong này có 0,4ha đất lúa chuyển sang trồng chuyên màu. Do thường xuyên bị nước mặn và khô hạn, nên ở vụ đông - xuân được gia đình tận dụng đất lúa trồng màu, với các chủng loại như xà lách, cải bông, rau cần… mỗi năm trồng khoảng 04 - 05 vụ, cho thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng/1.000m2/năm. Hiện trong ấp có khoảng 20ha chuyển từ đất lúa sang màu. Nếu khu vực này được Nhà nước đầu tư hạ thế điện sản xuất, sẽ có nhiều nông dân chuyển sang trồng màu.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Trường Giang, cán bộ Nông nghiệp - Địa chính xã Phước Hảo cho biết: nhờ định hướng trong quy hoạch phát triển sản xuất đối với từng tiểu vùng của xã, sẽ hình thành các vùng sản xuất lúa theo hướng 02 vụ ăn chắc; vùng chuyên canh màu; vùng chuyên canh thủy sản kết hợp với lúa hữu cơ. Cùng với đó, xã cũng từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng như thủy lợi, giao thông, điện phục vụ sản xuất. Đến nay, hệ thống thủy lợi khu vực chuyển đổi lắp 02 cống, nạo vét 08 tuyến kênh (kênh cấp I: Rạch Trà Cuôn, kênh cấp II: kênh Đầu đất, Hai Nhơn, Hai Thức; kênh cấp III: Ba Khen, Năm Nĩ, Năm Vui, Mười Chức), cơ bản đảm bảo phục vụ cho công tác chuyển đổi bước đầu. Tuy nhiên đối với các vùng sản xuất màu như Đa Hậu… chưa có điện sản xuất, nên chủ yếu sử dụng điện sinh hoạt vào tưới màu, khi vào cao điểm bị rớt pha gây khó khăn trong sản xuất màu của nông dân.
Từ năm 2017 đến nay, qua chuyển đổi, nhiều nông dân đã thực hiện các mô hình như nuôi của biển; tôm thẻ chân trắng kết hợp với cua biển; tôm càng xanh toàn đực; tôm thẻ chân trắng luân canh lúa; trong đó có 03/05 mô hình cho lợi nhuận từ 90 - 117 triệu đồng/ha. Đến nay, đã có 25,5/70ha của 32/60 hộ thực hiện chuyển đổi sang lúa + thủy sản, qua đó mang lại thu nhập từ 50-60 triệu đồng/ha/vụ. Riêng năm 2020, nông dân xã Phước Hảo đã chuyển đổi 64ha từ 02 vụ lúa sang lúa + màu; chuyển đổi 02ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang chuyên canh màu; 2,5ha lúa kém hiệu quả sang chuyên nuôi thủy sản, 02 vụ lúa kém hiệu quả sang 01 lúa + 01 vụ thủy sản.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.