20/08/2021 17:47
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng phát biểu tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo PCDB Covid-19 tỉnh Trà Vinh.
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị ở Trà Vinh đã nỗ lực cao độ trong công tác PCDB Covid-19, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều ổ dịch đã được khống chế kịp thời, nhiều bệnh nhân Covid được chữa trị thành công trở về sum họp gia đình và tỉnh cũng cơ bản thực hiện được mục tiêu kép vừa PCDB, vừa đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế… Tuy nhiên, vừa qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ít nhất 02 ổ dịch có quy mô lớn tại 02 đơn vị là Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong (xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú) và Công ty Cổ phần Cắt may Sofa Hoa Sen (Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh).
Theo đó, đóng góp cho Ban Chỉ đạo PCDB Covid-19 tỉnh Trà Vinh trong công tác quản lý, điều hành và PCDB, mới đây Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng phân tích: Trà Vinh đã có hiện tượng lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid… Đặc biệt, có một số doanh nghiệp có số lượng lao động lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện phương án “3 tại chỗ” nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh. Điều này theo Tổ trưởng Tổ hỗ trợ PCDB Covid-19 của Bộ Y tế tại Trà Vinh là phù hợp, đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, qua theo dõi thực tế trên địa bàn tỉnh cũng như kinh nghiệm thực tế tại các địa phương như tỉnh Bình Dương và tỉnh Tiền Giang… Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho rằng, khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” đối với các doanh nghiệp, điều quan trọng nhất là phải thực hiện đúng, triệt để các quy định trong PCDB mới đảm bảo an toàn. Muốn vậy, Ban Chỉ đạo PCDB Covid-19 tỉnh Trà Vinh phải tổ chức kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ và thường xuyên đối với các đơn vị thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Thậm chí cần lắp đặt hệ thống camera giám sát tại các đơn vị và thực hiện xét nghiệm Covid định kỳ đối với những người làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất.
Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho biết thêm, nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ, sẽ tạo hiện tượng chủ quan từ các đơn vị. Trong đó, nhiều cách làm chưa đúng được Tổ trưởng Tổ hỗ trợ PCDB Covid-19 của Bộ Y tế tại Trà Vinh nêu ra như: khi thực hiện phương án “3 tại chỗ” một số doanh nghiệp có thể đưa nhiều hơn số lượng lao động vào làm việc so với số đăng ký. Trong khi làm việc, có thể có công nhân đi ra bên ngoài khu vực sản xuất và có trường hợp chưa kiểm soát được những phương tiện hoặc người cung cấp lương thực, thực phẩm, thức ăn hàng ngày cho công nhân… cũng là những nguyên nhân chủ yếu gây bùng phát dịch bệnh.
Hiện tại nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh Covid-19 tại Công ty TNHH Giày da Mỹ Phong và Công ty Cổ phần Cắt may Sofa Hoa Sen chưa được ngành chức năng xác định. Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng nghi vấn, nhất là tại Công ty Cổ phần Cắt may Sofa Hoa Sen có thể do phương tiện và người vận chuyển thức ăn từ bên ngoài mang mầm bệnh vào công ty. Một trong những cơ sở để đưa ra nghi vấn trên, là thời gian qua trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã ghi nhận 12 người lái xe nhiễm Covid-19 từ các nơi khác vào tỉnh. Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị thực hiện phương án “3 tại chỗ” là rất cần thiết trong PCDB Covid-19- Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng khẳng định.
Đánh giá cao những ý kiến đóng góp của Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, tại Công văn số 3405/UBND-KGVX, ngày 14/8/2021 “về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 01/8/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện giãn cách xã hội PCDB Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn khẳng định: các doanh nghiệp dừng thực hiện phương án “3 tại chỗ”, tổ chức test nhanh cho công nhân, người lao động. Đối với các doanh nghiệp được phép hoạt động phải xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch PCDB tại nơi sản xuất theo đúng quy định tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG, ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia PCDB Covid-19. Các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, nếu không đảm bảo yêu cầu về PCDB theo quy định, yêu cầu doanh nghiệp phải dừng hoạt động.
Bài, ảnh: BÁ THI
Vụ lúa thu - đông năm 2024, Đề án đã triển khai tại 02 HTX ở huyện Châu Thành, với diện tích 98,4ha/94 hộ; năng suất bình quân trong mô hình đạt 07 tấn/ha, tăng khoảng 03 - 04% so với ngoài mô hình...