14/10/2020 07:00
Mô hình nuôi tôm thâm canh mật độ cao ở xã Long Hữu, thị xã Duyên Hải.
Qua hơn 05 năm ứng dụng mô hình thâm canh mật độ cao đã đưa nghề nuôi tôm ở Trà Vinh từng bước phát triển, nhân rộng ở các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Trà Cú và thị xã Duyên Hải. Đây là một trong những yếu tố góp phần đưa năng suất nuôi thủy sản ở Trà Vinh tăng cao, giảm các rủi ro về dịch bệnh và mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với hình thức nuôi trước đây (bán thâm canh, thâm canh...) thường chịu nhiều tác động của dịch bệnh, môi trường...
Trong 09 tháng đầu năm 2020, tổng diện tích thả nuôi tôm theo mô hình này đạt hơn 635ha (kế hoạch cuối năm 2020 là 600ha) và cho năng suất bình quân từ 50-70 tấn/ha. Theo định hướng phát triển thủy sản của tỉnh, đối với loại hình nuôi tôm thâm canh ứng dụng công nghệ cao sử dụng chế phẩm sinh học, áp dụng quy trình thực hành nuôi tốt (VietGAP): dự kiến đến năm 2030 là 1.100ha, tập trung phát triển trên địa bàn các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Châu Thành, Trà Cú và thị xã Duyên Hải.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết: đối với các hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao trên địa bàn tỉnh hiện được đầu tư bài bản, diện tích ao nuôi và ao chứa lắng thực hiện theo quy định nhằm đảm bảo nước cung cấp trong quá trình nuôi. Nhờ kiểm soát tốt chất lượng môi trường nước hàng ngày, quản lý tốt dịch bệnh xâm nhập từ môi trường bên ngoài, từ đó giảm thiểu hiện tượng tôm chết sớm trong giai đoạn 20 ngày sau khi thả giống (hội chứng EMS) do có ao ương diện tích nhỏ dễ quản lý. Vấn đề về an toàn dịch bệnh được khống chế mầm bệnh bằng phương pháp xi phông hàng ngày, kết hợp sử dụng vi sinh, chế phẩm sinh học.
Dự kiến đến cuối năm 2020, diện tích nuôi tôm thâm canh mật độ cao sẽ tăng với quy mô từ 700-750ha sẽ góp phần đưa diện tích thả nuôi thủy sản ở vùng mặn, lợ của tỉnh đạt 50.200ha, sản lượng ước đạt 77.040 tấn, vượt 10,06% kế hoạch năm 2019.
Theo các hộ nuôi tôm thâm canh mật độ cao ở xã Hiệp Thạnh, thị xã Duyên Hải, do đặc điểm nuôi tôm thâm canh mật độ cao, các ao thường có diện tích nuôi dao động từ 500-3.000m2, phổ biến nhất là khoảng 1.000-1.600m2. Độ sâu mực nước từ 1,1-1,5m, độ dốc đáy ao về trung tâm ao để nước dồn về mỗi khi xả cạn. Hầu hết ao nuôi tôm siêu thâm canh đều lót bạt HDPE cả nền đáy và bờ. Hệ thống quạt nước được bố trí thường gấp đôi so với những ao nuôi thâm canh mật độ thấp, đồng thời có hệ thống thổi khí để cung cấp ô-xy đảm bảo nhu cầu cho tôm. Ao ương và ao nuôi không mái che, sử dụng lưới lan che phủ mặt ao để giảm nhiệt độ.
Ngoài ra, còn có hệ thống ao trữ nước và ao lắng (do thay nước hàng ngày), nên nhu cầu nước cung cấp cho ao nuôi khá lớn. Trong này, quy trình nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao thường có 02 giai đoạn: giai đoạn ương giống thời gian 20 - 30 ngày, mật độ ương 3.000 con/m3, có đầy đủ hệ thống thổi khí liên tục để đảm bảo lượng ô-xy lớn hơn 04mg/lít trong suốt thời gian ương. Giai đoạn nuôi thương phẩm, mật độ thả từ 150-250 con/m2; thực hiện xi-phông đáy ao mỗi ngày 40-50% lượng nước, kèm theo việc cấp nước bổ sung từ ao lắng đã được xử lý đạt yêu cầu kỹ thuật.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.