02/10/2023 10:01
Bộ sản phẩm sa-lon tre của cơ sở Trì Cảnh tiếp tục tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần VI, năm 2023.
Xác định tầm quan trọng đó, 10 năm qua, tỉnh đã bám sát các thông tư, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1971/QĐ-UBND, ngày 28/11/2011 về việc thành lập Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh Trà Vinh; chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố bình chọn: năm 2012, có 20 sản phẩm của 18 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 06 huyện và thành phố tham gia; năm 2014, có 28 sản phẩm của 22 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 08 huyện và thành phố tham gia; năm 2016, có 49 sản phẩm của 40 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 09 huyện, thị xã và thành phố tham gia; năm 2018, có 72 sản phẩm của 55 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 09 huyện, thị xã và thành phố tham gia; năm 2020, có 85 sản phẩm của 59 cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 09 huyện, thị xã và thành phố tham gia. Kết quả, có từ 80 - 90% sản phẩm đủ điều kiện và được công nhận.
Bình chọn cấp tỉnh, giai đoạn 2012 - 2020, thực hiện 02 năm/lần, Hội đồng bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tỉnh tổ chức 05 lần bình chọn; quy trình bình chọn công khai, minh bạch và tuân thủ đúng quy định; số lượng sản phẩm tham gia tăng qua các năm cả số lượng và chất lượng, các kỳ bình chọn đều có thêm nhiều sản phẩm mới.
Đạt kết quả trên là nhờ tỉnh đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi: UBND tỉnh phê duyệt quy chế quản lý và sử dụng kinh phí khuyến công địa phương của tỉnh (Quyết định số 1147/QĐ-UBND, ngày 10/7/2014); Chương trình khuyến công địa phương giai đoạn 2016 - 2020 (Công văn số 3711/QĐ-UBND, ngày 12/11/2015); Quy chế quản lý kinh phí và mức chi cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh (Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND, ngày 13/8/2019, thay thế Quyết định số 1147/QĐ-UBND, ngày 10/7/2014); Chương trình khuyến công tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 (Quyết định số 2923/QĐ-UBND, ngày 12/8/2020).
Từ những chính sách hợp lý, tỉnh đã triển khai thực hiện 11 Đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trong tỉnh, nhằm nâng cao chất lượng và cạnh tranh của sản phẩm trong quá trình hội nhập, tổng vốn đầu tư gần 3,451 tỷ đồng; trong đó, kinh phí khuyến công hỗ trợ hơn 1,169 tỷ đồng, vốn đối ứng của cơ sở công nghiệp nông thôn 2,281 tỷ đồng.
Qua triển khai thực hiện, giải quyết việc làm hơn 200 lao động, giúp cơ sở công nghiệp nông thôn nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất từ 15 - 40%, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Qua các kỳ tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh đã thu hút, khuyến khích, động viên được các chủ thể tích cực hưởng ứng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; mở rộng quy mô sản xuất.
Ông Đặng Văn Xem, đại diện hộ sản xuất, kinh doanh tương hột Trần Thủy Tiên, số 58, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Khóm 5, Phường 7, thành phố Trà Vinh chia sẻ: sản phẩm tương hột Cẩm Hưng của cơ sở đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu 02 lần (năm 2018 và 2020). Từ đó, sản lượng tăng, thị trường tiêu thụ mở rộng; hiện sản phẩm tiêu thụ mạnh tại tỉnh Tây Ninh, Bến Tre... Đặc biệt, nguồn nguyên liệu (đậu nành) cũng tăng mạnh, góp phần tiêu thụ sản phẩm và nâng giá trị đậu nành của nông dân.
Ông Huỳnh Ngọc Xuân, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: đến nay, toàn tỉnh có 10 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia (năm 2015, 01 sản phẩm; năm 2017, 03 sản phẩm, bộ sản phẩm; năm 2019, 02 sản phẩm, bộ sản phẩm; năm 2021, 04 sản phẩm, bộ sản phẩm); sản phẩm đạt được các tiêu chí: đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất; kinh tế - kỹ thuật; xã hội và môi trường; văn hóa, thẩm mỹ. Đặc biệt, những sản phẩm của tỉnh đã tạo dấu ấn riêng: khai thác lợi thế vùng nguyên liệu, đặc trưng của tỉnh và tạo việc làm cho lao động địa phương.
Qua 10 năm thực hiện, số lượng và chất lượng sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể: Lần thứ I (năm 2012), có 19 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh và 03 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; Lần thứ II (năm 2014), có 28 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 47,3% so với năm 2012) và 01 sản phẩm đạt cấp khu vực; Lần thứ III (năm 2016), có 41 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 46,5% so với năm 2014) và 03 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; Lần thứ IV (năm 2018), có 57 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 39,02% so với năm 2016) và 04 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực; Lần thứ V (năm 2020), có 67 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp tỉnh (tăng 13,56% so với năm 2018) và 15 sản phẩm, bộ sản phẩm đạt cấp khu vực (năm 2023 đang bình chọn).
|
Kết quả qua 10 năm thực hiện, chính là “phần thưởng” xứng đáng và khẳng định sự nỗ lực không ngừng của các chủ thể; các sản phẩm cũng là niềm tự hào của mỗi địa phương. Đặc biệt, các chủ thể có sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, khu vực và quốc gia góp phần khuyến khích, tạo động lực tích cực, đổi mới phương thức sản xuất, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ưu thế cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, khai thác nguồn nguyên liệu, tạo việc làm, thúc đẩy công nghiệp địa phương, kinh tế nông thôn phát triển.
Ông Trì Cảnh, chủ cơ sở sản xuất Trì Cảnh, ấp Trà Tro B, xã Hàm Giang, huyện Trà Cú cho biết: bộ sa-lon của cơ sở được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực, đồng thời đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Cơ sở giải quyết việc làm gần 10 lao động tại cơ sở và 24 hộ làm gia công; cùng với địa phương thúc đẩy kinh tế hộ, kinh tế nông thôn phát triển, giảm nghèo, nâng cao các tiêu chí XDNTM.
Hiện nay, nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong tỉnh đã khẳng định được thương hiệu và được thị trường ưa chuộng. Tin rằng, năm 2023 cũng như những năm tiếp theo, tỉnh sẽ có thêm nhiều sản phẩm được bình chọn. Qua đó, phát huy lợi thế cạnh tranh của sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đồng thời, tận dụng nguyên, vật liệu tại địa phương, giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn ngày càng phát triển.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.