24/04/2023 10:05
Lãnh đạo xã Long Sơn khảo sát cơ sở sản xuất đậu phộng rang Hải Đăng.
Trong 03 tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh giảm 19,9% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp (có nhiệt điện) ước đạt hơn 6.846 tỷ đồng, giảm 5,95% so với cùng kỳ; không có nhiệt điện ước trên 3.983 tỷ đồng, tăng 6,99% so với cùng kỳ. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng: thuốc viên các loại, túi xách các loại, thảm dệt các loại, than hoạt tính, quần áo các loại, nước sinh hoạt, thủy sản đông lạnh, điện thương phẩm. Một số sản phẩm giảm: gạo xay xát, giày thành phẩm, đường kết, bộ truyền dẫn điện dùng trong ô-tô, sản xuất điện. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong quý I/2023 ước trên 14.184 tỷ đồng, tăng 56,52% so với cùng kỳ.
Qua ghi nhận, tình hình sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Cầu Ngang trong những tháng đầu năm gặp khó khăn và thách thức, nhưng các DN đã chủ động, thích ứng linh hoạt và tập trung nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhờ đó giá trị sản xuất của lĩnh vực này trên địa bàn huyện tiếp tục tăng trưởng.
Theo đồng chí Trần Thị Kim Chung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cầu Ngang, giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 725 tỷ đồng, tăng 16,47% so với cùng kỳ. Phát triển 14/40 DN, tăng 10 DN so cùng kỳ. Nâng đến nay toàn huyện có 224 DN, 24 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ - sản xuất nông nghiệp, thủy sản, vận tải,...
Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thi công đường dẫn vào Cụm Công nghiệp Hiệp Mỹ Tây; tăng cường mời gọi đầu tư để phát triển công nghiệp trên địa bàn theo hướng bền vững. Tập trung phát triển DN, triển khai công tác giải phóng mặt bằng công trình Đường tỉnh 915B (giai đoạn 2); nâng cấp mở rộng hạ tầng thị trấn Cầu Ngang và hạ tầng phát triển du lịch thị trấn Mỹ Long, xã Mỹ Long Bắc đảm bảo tiến độ.
Thời gian qua, ngoài đổi mới trang thiết bị và quy trình sản xuất, một số DN còn đổi mới chiến lược kinh doanh, tập trung vào tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như cơ sở sản xuất đậu phộng rang Hải Đăng, ấp Ô Răng, xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang đã chủ động, linh hoạt tập trung vào chiến lược kinh doanh nhằm duy trì sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Bảy, chủ cơ sở sản xuất đậu phộng rang Hải Đăng cho biết: hàng năm, cơ sở liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với nông dân xã Long Sơn và xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải; xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú trên 10ha. Tuy nhiên, vụ đậu phộng đông - xuân năm 2022 - 2023, người dân gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng thời tiết, nắng mưa thất thường, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao (giống, phân bón...), nông dân ngại lo giá đầu ra nên giảm diện tích trồng đậu phộng, từ đó dẫn đến thiếu nguyên liệu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cơ sở. Để đảm bảo năng suất sản xuất đậu phộng 400kg/ngày, từ đầu năm cơ sở đã xây dựng kế hoạch thu mua đậu phộng ở tỉnh Bình Định và bố trí lực lượng lao động tham gia chế biến. Đồng thời, duy trì thị trường tiêu thụ sản phẩm trong tỉnh và tập trung tìm kiếm cơ hội khai thác thị trường ngoài tỉnh. Hiện nay, cơ sở xuất bán khoảng 200kg đậu phộng rang phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm 04 lao động, đặc biệt là sản phẩm đậu phộng rang của cơ sở đã được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Đây là tiền đề giúp cơ sở xây dựng chiến lược kinh doanh và tự tin mở rộng thị trường.
Theo lãnh đạo Sở Công thương, để đẩy nhanh tốc độ sản xuất công nghiệp, ngành công thương đã và đang phối hợp với các ngành và địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các khu, cụm công nghiệp và tích cực xúc tiến đầu tư thương mại và triển khai một số giải pháp phù hợp với đặc thù riêng của ngành công nghiệp chủ lực. Trong đó, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng chuyển từ gia công chế biến sang sản xuất toàn bộ và tham gia sâu vào chuỗi giá trị.
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, có lợi thế so sánh, giải quyết được nhiều việc làm, sản xuất hàng xuất khẩu. Tổ chức, sắp xếp lại ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống theo hướng chú trọng chất lượng, khả năng cạnh tranh gắn với xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý;
Triển khai và mời gọi các dự án năng lượng tái tạo để tạo động lực tăng trưởng mới trong ngành công nghiệp của tỉnh và của khu vực. Chú trọng thu hút đầu tư các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp, nhất là quan tâm mời gọi đầu tư và khai thác hiệu quả hệ thống kho lạnh thông minh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển công nghiệp, sớm đưa các dự án vào hoạt động, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Rà soát, chọn lọc, xây dựng và thực hiện các đề án hỗ trợ các cơ sở, DN ứng dụng thiết bị hiện đại sản xuất;
Hỗ trợ, đôn đốc chủ đầu tư hoàn thành và đưa vào hoạt động 04 cụm công nghiệp Tân Ngại, Hiệp Mỹ Tây, Phú Cần và An Phú Tân. Tăng cường hỗ trợ các DN vận dụng thực hiện có hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mở rộng xuất nhập khẩu;
Duy trì việc hướng dẫn, hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh để xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.