17/01/2023 06:15
Tham quan mô hình Nhãn tím tại hộ ông Tạ Trung Thành (ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè), đây là đối tượng cây trồng mới đang được nhà vườn phát triển nhân rộng.
Đồng chí Ngô Thị Hồng Nghi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè cho biết: huyện đã triển khai được 19 điểm mô hình/dự án liên kết đầu tư trong nông dân, với tổng diện tích gần 1.900ha. Trong này, có 60ha cây ăn trái; 30ha màu, còn lại là cây lúa. Các mô hình liên kết trong sản xuất và gắn với chuỗi giá trị đều mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất so với ngoài mô hình/dự án.
Nổi bật trong các mô hình/dự án sản xuất theo chuỗi liên kết ở huyện Cầu Kè là dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất cây chôm chôm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cây chôm chôm An Phú Tân, liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm”, qui mô 20ha (năm 2019); dự án “Hỗ trợ phát triển sản xuất cây gấc trồng xen cây ngò gai dưới tán lá, theo hướng nông nghiệp sạch, liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm”, diện tích 20ha của 02 xã Phong Phú và Hoà Ân (năm 2020) và mô hình “Liên kết sản xuất lúa - gắn tiêu thụ sản phẩm (lúa)” với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, thực hiện trong vụ lúa hè - thu năm 2022, có 408 hộ tham gia với tổng diện tích 503,5ha; lợi nhuận từ 13,1 - 22,2 triệu đồng/ha/vụ (cao hơn bên ngoài mô hình từ 2,5 - 04 triệu đồng/ha/vụ).
Đồng chí Trương Thanh Đệ, Bí thư Đảng ủy xã Phong Thạnh cho biết: mô hình sản xuất lúa gắn với liên kết về đầu vào (vật tư nông nghiệp, giống) và đầu ra (thu mua sản phẩm) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời với nông dân huyện Cầu Kè đã ổn định, bền vững trong sản xuất, đặc biệt là đối với sản xuất lúa, nông dân luôn chịu nhiều rủi ro.
Cũng theo đồng chí Ngô Thị Hồng Nghi, với những mô hình/dự án liên kết thời gian qua đã cho hiệu quả rất cao, tạo được chuỗi sản xuất bền vững cho nông dân. Huyện tiếp tục chỉ đạo các địa phương và nông dân tham gia triển khai thực hiện mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, dự kiến quy mô thực hiện hàng năm đạt 1.000ha. Tại 03 xã: Phong Phú, Hòa Ân và Châu Điền tiếp tục thực hiện 03 dự án liên kết sản xuất lúa hữu cơ. Một số đối tượng cây ăn trái như: mít, cam sành, bưởi da xanh, dừa, xoài,… sẽ tìm kiếm thị trường và doanh nghiệp để tham gia liên kết trong thời gian tới.
Bài, ảnh: HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.