14/05/2021 07:00
Theo lãnh đạo Sở Công thương, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành liên quan và địa phương, nhất là sự hỗ trợ của Ban Quản lý dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh (Dự án SME Trà Vinh), Sở Công thương hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh. Năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành công thương đã tổ chức 05 chuyến liên kết thị trường tại các tỉnh, thành phố. Qua kết nối, đã có 10 DN ký kết 26 hợp đồng và 07 biên bản ghi nhớ với các DN ngoài tỉnh và 01 hợp đồng xuất khẩu sản phẩm xơ dừa vào thị trường Hàn Quốc.
Song song đó, từ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại của tỉnh, Sở Công thương đã hỗ trợ các DN tăng cường kết nối giao thương, quảng bá hàng hóa tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại như phiên chợ hàng Việt về nông thôn, hội chợ các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 20 sản phẩm đã cung ứng vào các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhiều hợp đồng tiêu thụ được ký kết góp phần ổn định thị trường đầu ra sản phẩm nông sản, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.
Xác định thị trường thương mại điện tử là thị trường tiềm năng giúp DN phát triển, Sở Công thương đã tư vấn, hỗ trợ DN nâng cao chất lượng sản phẩm, tư vấn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, bao bì, an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức về thương mại điện tử, cụ thể củng cố sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh có 44 DN tham gia và hỗ trợ tạo 110 tài khoản thành viên để giao dịch chào mua, chào bán.
Bên cạnh đó, từ ngân sách tỉnh, Dự án SME Trà Vinh, chương trình thương mại điện tử quốc gia, Sở Công thương đã hỗ trợ kinh phí cho 35 DN xây dựng website; tổ chức 02 lớp tập huấn “kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử” cho hơn 100 đại biểu là cán bộ quản lý nhà nước và DN; triển khai tham gia gian hàng Việt trực tuyến đến 169 DN; tư vấn hỗ trợ trên 100 lượt DN thiết kế bao bì, nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, an toàn thực phẩm,... với những hỗ trợ nêu trên, một số DN đã có website và tham gia các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Lưu Văn Nhạnh, Phó Giám đốc Sở Công thương, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xúc tiến thương mại vẫn còn những khó khăn, hạn chế như các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, chưa chủ động nguồn nguyên liệu, chưa có mối liên kết thật sự dẫn đến khi các đối tác yêu cầu ký hợp đồng với sản lượng lớn, DN không đủ năng lực cung ứng. Việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật, áp dụng các giải pháp truy xuất nguồn gốc, sản xuất theo quy trình VietGAP, an toàn, xây dựng thương hiệu còn hạn chế. Một số DN trong lĩnh vực nông nghiệp thiếu liên kết hoặc có liên kết nhưng thiếu bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu liên kết theo hình thức thương thảo, “thuận mua vừa bán” ở từng thời điểm;…
Để đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử, thời gian tới, Sở Công thương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ: duy trì tốt việc hướng dẫn, hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách ưu đãi của tỉnh nhằm xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ theo Quyết định số 13/2016/QĐ-UBND, ngày 15/4/2016 của UBND tỉnh Trà Vinh về việc ban hành quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện chương trình xúc tiến thương mại tỉnh Trà Vinh; Quyết định số 14/QĐ-UBND, ngày 13/8/2019 của UBND tỉnh ban hành quy chế quản lý kinh phí và mức chi cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Bên cạnh đó, Sở Công thương tiếp tục thực hiện kế hoạch xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, ngành hàng chủ lực của tỉnh đến năm 2025 và kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt. Triển khai có hiệu quả cho các DN xây dựng “gian hàng Việt trực tuyến”, tăng cường xúc tiến thương mại thông qua hình thức trực tuyến và các sàn thương mại điện tử. Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề xúc tiến thương mại; hỗ trợ xây dựng mỗi DN có bộ phận xúc tiến thương mại chuyên nghiệp với nguồn nhân lực có chuyên môn sâu. Tăng cường các mối liên kết với Cục Xúc tiến thương mại, trung tâm xúc tiến các tỉnh, thành. Khai thác, tiếp nhận, phân tích, xử lý thông tin, dự báo trong lĩnh vực sản xuất, lưu thông. Thường xuyên cung cấp thông tin và dự báo thị trường cho DN. Phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương trong định hướng mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu, thị trường xuất khẩu. Xây dựng DN chủ lực để áp dụng hình thức kinh doanh hiện đại, thương mại điện tử nhằm hướng dẫn sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với thị trường và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng liên doanh, liên kết bao tiêu sản phẩm.
MẪN QUÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.