28/04/2025 16:13
Nông dân Phạm Văn Minh Hải (bên phải), chia sẻ kỹ thuật trồng bưởi da xanh hữu cơ.
Về xã Đại Phúc trong những ngày này, chúng tôi được công chức xã dẫn đến “địa chỉ đỏ an toàn khu” tại ấp Tân Định. Đường về nơi địa chỉ đỏ đã được bê-tông khang trang, môi trường thông thoáng, sạch, đẹp với nhiều hoa thơm trồng dọc 02 bên tuyến đường, tạo không khí làng quê mát mẻ, trong lành. Nhiều ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố khang trang, chứng minh thành quả lao động của người dân địa phương tạo cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Địa chỉ đỏ này không chỉ là nơi hoạt động thăm hỏi, góp phần giáo dục truyền thống, lòng tự hào, còn nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nơi tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng.
Bà Nguyễn Thị Gương, ấp Tân Định cho biết: quê ở tỉnh Bến Tre, năm 1973, bà theo chồng - ông Bùi Bé Nam về sinh sống và lập nghiệp tới nay. Trong thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gia đình chồng bà đã nuôi chứa cán bộ cách mạng và nơi ở hiện nay của gia đình là địa điểm diễn ra lễ xuất quân tết Mậu Thân năm 1968. Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc sống của gia đình cũng như người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đường về vùng nông thôn được đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng hoàn thiện, người dân được tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; ứng dụng tiến bộ vào trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả cao.
Theo bà Gương, kinh tế của gia đình ban đầu phụ thuộc vào làm lúa, nhưng làm lúa không đủ ăn, do thường xuyên thiếu nước, nên hơn 10 năm nay, bà chuyển sang trồng dừa với 01ha đem lại thu nhập ổn định. Hiện nay nhờ giá dừa khô tăng cao, thu nhập bình quân từ 06 - 07 triệu đồng/tháng.
Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại Phúc không chỉ là nơi tỉnh chọn làm điểm xuất quân và nơi xây dựng cơ sở phong trào cách mạng vững chắc không những đánh địch bảo vệ địa phương mà còn hỗ trợ xã Nguyệt Hóa và Long Đức giai đoạn 1951 - 1954. Đẩy mạnh phong trào Nhân dân du kích chiến tranh kết hợp đấu tranh chính trị, góp phần đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ giai đoạn 1961 - 1964. Trong thời gian này, Xã Đội kết hợp với Tiểu đoàn 501 và địa phương quân Huyện đánh tàu đưa quân vào bến đình Tân Định (nay xã Đại Phúc) diệt 20 tên địch, thu 30 súng các loại… Ngoài ra, du kích xã tham gia đánh địch ở đồn Trại Luận và chống càn làm bị thương 16 tên địch…
Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, sau khi cướp chính quyền, tiến hành mở kho lúa Trà Bang chia cho một số dân nghèo trong xã. Theo lời kể của bà Huỳnh Thị Hồng, cán bộ hưu trí ấp Tất Vinh, xã Đại Phúc (nguyên là nhân viên đánh máy của Trường Hoàng Văn Thụ), trong thời gian đóng quân tại đây, đơn vị của trường và các đồng chí lãnh đạo và giáo viên luôn được Nhân dân ở đây che chở và bảo vệ tuyệt đối an toàn.
Trong giai đoạn 1970 - 1975, Đại Phúc được Ban Binh vận Trung ương Cục miền Nam (đơn vị C52) đóng quân. Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (C112) và được chọn là nơi xây dựng căn cứ hoạt động cách mạng giai đoạn kháng chiến chống Mỹ và Trường Đảng Hoàng Văn Thụ làm căn cứ đóng quân để đào tạo cán bộ các mạng cho Trà Vinh và các tỉnh lân cận do đồng chí Nguyễn Đáng làm Trưởng ban của Trường.
Đại Phúc là một trong những xã làm nơi ở, làm việc và hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của các đồng chí cán bộ Đảng, Nhà nước và là nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt quan trọng có các quyết sách, chiến lược của Đảng trong 02 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong thời kỳ chống Mỹ, xã là nơi để Huyện Đội chọn xây dựng hầm chứa vũ khí do ông Nguyễn Văn Lẹ (tự Hai Lẹo), ấp Trà Gút và ông Võ Văn Nhi, ấp Tân Định (nay xã Đại Phúc) giữ 02 hầm súng cho đơn vị 306 và thành lập được công trường sản xuất vũ khí do đồng chí Bùi Văn Thạnh (Tư Thạnh) làm trưởng ban công trường. Với những thành tích nổi bật, năm 2005, xã được Nhà nước tuyên dương “Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân”.
Đại Phúc ngày nay, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phát triển, góp phần nâng cao đời sống của người dân, làm chuyển biến bộ mặt nông thôn ngày càng rõ nét.
Đồng chí Nguyễn Văn Song, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Phúc cho biết: là địa phương có truyền thống cách mạng, cần cù và chịu khó nên đã tạo cảm hứng và động lực cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân phấn đấu tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Xã có 1.288 hộ, với 4.490 nhân khẩu; có 43 Mẹ Việt Nam anh hùng đã từ trần, 171 gia đình liệt sĩ và 18 gia đình thân nhân thờ cúng liệt sĩ. Năm 2019, sau khi Đại Phúc được công nhận xã An toàn khu của Trung ương trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, xã được hưởng nhiều chế độ chính sách về hạ tầng kinh tế, chỉnh trang cảnh quan môi trường, nhà ở, bảo hiểm y tế,… đặc biệt là chính sách về bảo hiểm y tế, giúp tiết kiệm được phần chi tiêu trong gia đình.
Bên cạnh đó, xã đầu tư hoàn thiện Hương lộ 7, giúp hình thành chợ nông thôn, tạo điều kiện hoạt động giao thương hàng hóa thuận lợi, góp phần thúc đẩy thương mại dịch vụ phát triển. Đồng thời, chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách huyện đầu tư vốn vay cho 577 hộ, với tổng dư nợ trên 18,3 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Đồng chí Nguyễn Văn Song cho biết thêm: trong phát triển kinh tế, phong trào chuyển đổi từ đất lúa sang trồng dừa, cây ăn trái đem lại hiệu quả cao. Nhiều nhất là diện tích trồng dừa khoảng 640ha, trong đó có 340ha dừa trồng theo hướng hữu cơ. So với trồng dừa truyền thống, giá trị kinh tế dừa hữu cơ vượt trội hơn. Số lượng trái cho thu hoạch tăng hơn, chất lượng dừa được thương lái ưa chuộng. Hiện đất trồng lúa của xã đã chuyển sang trồng dừa và bưởi da xanh. Ngoài định hướng triển khai nhân rộng một số mô hình trồng dừa thâm canh theo hướng hữu cơ, xã chỉ đạo phát triển mô hình trồng bưởi da xanh liên kết với hợp tác xã nông nghiệp nhằm cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào giúp nhà vườn giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.
Trao đổi với chúng tôi, nông dân Phạm Văn Minh Hải, ấp Tân Hạnh, xã Đại Phúc cho biết: so với trồng dừa, mô hình trồng bưởi da xanh tuy thời gian trồng ngắn cho thu nhập, nhưng chưa có mối liên kết với các doanh nghiệp, hầu như nhà vườn tự sản tự tiêu chưa có mối liên kết chặt chẽ đầu ra với doanh nghiệp còn phụ thuộc về giá thị trường. Với 0,8ha bưởi da xanh của gia đình được trồng trên diện tích lúa chuyển đổi từ năm 2017 đến nay, sản lượng bình quân đạt trên 08 tấn/năm, lợi nhuận đạt 160 triệu đồng/năm. Song song với cây bưởi da xanh, ông trồng xen canh dừa mang lại thu nhập từ 03 - 04 triệu đồng/tháng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, với vai trò giám đốc hợp tác xã, ông Hải vận động các thành viên hợp tác xã trồng bưởi da xanh theo quy trình hữu cơ với 4,7ha và được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài việc hướng dẫn 36 thành viên hợp tác xã sản xuất bưởi da xanh theo quy trình hữu cơ, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động dịch vụ sản xuất kinh doanh gạo thương phẩm và cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào cho các thành viên hợp tác xã nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, góp phần nâng cao giá trị kinh tế sản xuất.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Nhằm thực hiện đồng bộ các giải pháp bao vây, khống chế, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ổ dịch trên địa bàn trong thời gian sớm nhất theo đúng quy định, không để bùng phát dịch bệnh, hạn chế thấp nhất phát sinh ổ dịch mới... ngày 12/4/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Trà Vinh ban hành Công văn số 750/SNNMT-CNTY về việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm (GSGC).