07/02/2024 09:06
Khách hàng mua quần áo tại shop Lê Hương.
Chợ đêm Trà Vinh tọa lạc ở đường vào Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh. Tại đây, người dân có thể mua sắm những mặt hàng quần áo thời trang nam nữ và trẻ em, giày dép, túi xách, phụ kiện cho đến những món hàng khác như móc khóa, phụ kiện tóc thời trang, đồ chơi… hay những quán ăn ẩm thực góp vui làm cho không khí náo nhiệt hơn. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 35.000 - 230.000 đồng/bộ dành cho trẻ em tùy loại; quần áo nam nữ dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/cái,… Điều đáng nói, giá các mặt hàng ở chợ đêm bình dân phù hợp với những người có thu nhập thấp.
Mặc dù mặt hàng đa dạng, phong phú, giá phải chăng nhưng sức mua tại chợ đêm những ngày giáp Tết giảm so với trước đây.
Trao đổi với chúng tôi, tiểu thương Phạm Mỹ Uyên, chủ quầy quần áo nam nữ Uyên Uyên tại chợ đêm cho biết: từ khi di dời chợ đêm ra đây tuy không gian kinh doanh rộng rãi, thoáng mát thuận lợi cho khách hàng lựa chọn mua sắm nhưng sức mua dịp Tết năm nay giảm hơn những năm trước. Chợ đêm hoạt động phần nhiều lao động nông thôn ở xã Long Đức, công nhân và một số khách hàng lân cận, nên sức mua không tăng. Còn những khách hàng cũ trước đây do ngại xa nên ít đến chợ đêm mua sắm, từ đó khách hàng giảm. Trước đây, khi chợ đêm còn hoạt động trong nội ô thành phố, vào dịp Tết đến có rất nhiều du khách ở các huyện đến tham quan chợ hoa và đến chợ đêm mua sắm, thu nhập hơn 10 triệu đồng/ngày - đêm. Từ khi chợ đêm dời về Khu Công nghiệp do xa trung tâm nên sức bán không bằng.
Tiểu thương Lê Thị Hương, chủ shop Lê Hương chuyên kinh doanh quần áo trẻ em tại chợ đêm Trà Vinh bộc bạch: do kinh tế khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu, việc mua bán tại chợ đêm gặp nhiều khó khăn. Do sẵn có tay nghề may vá, nên dịp Tết năm nay chị mua vải may áo quần trẻ em, nhất là áo dài dành cho trẻ em gái nhằm cải thiện việc kinh doanh, thu hút nhiều khách hàng. Việc mua vải may thêm quần áo trẻ em để bán Tết thu hút khách hàng hơn, do màu sắc của vải bắt mắt hơn quần áo may sẵn, bình quân chị may khoảng 03 - 04 bộ/ngày để treo bán. Nhờ vậy, sức bán có phần khá hơn ngày thường.
Tiểu thương Thạch Thị Hường, ở Khóm 1, Phường 7, thành phố Trà Vinh chuyên kinh doanh giày dép ở chợ đêm Trà Vinh cho biết: từ khi ra Khu Công nghiệp mua bán, 02 mùa Tết, sức mua giảm đáng kể. Sức bán hàng ngày khoảng 05 - 06 đôi giày dép, lợi nhuận 20.000 đồng/đôi. Do kinh doanh không thuận lợi, nhà xa nên vợ chồng bà thay phiên nhau ngủ canh giữ hàng hóa nhằm hạn chế chi phí thuê nhà trọ trong những ngày Tết. Với sức mua giảm như hiện nay, mong các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện để tiểu thương chợ đêm được kinh doanh ở môi trường đông dân cư, thu hút nhiều khách du lịch đến tham quan và mua sắm nhằm cải thiện kinh doanh hơn, ổn định đời sống.
Đồng chí Nguyễn Văn Liêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh cho biết: chợ đêm Trà Vinh tại dãy phân cách đường vào Khu Công nghiệp Long Đức (giới hạn từ tuyến đường Trần Thành Đại đến tuyến đường Vũ Đình Liệu), ấp Vĩnh Yên, xã Long Đức được di dời từ chợ đêm tại tuyến đường Lý Tự Trọng, Phường 1, thành phố Trà Vinh kể từ ngày 21/12/2021 đến nay theo chủ trương của UBND tỉnh tại Công văn số 6240/UBND-KT, ngày 24/11/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Hoạt động chợ đêm được quản lý theo quy chế phối hợp quản lý hoạt động chợ đêm tại xã Long Đức theo Quyết định số 1743/QĐ-UBND, ngày 11/5/2022 của UBND thành phố Trà Vinh. Hiện tại số hộ tiểu thương đã đăng ký và đang tham gia hoạt động kinh doanh mua bán ổn định tại chợ đêm 87 hộ/120 mặt bằng, gồm các ngành hàng quần áo may sẵn, giày dép, phụ kiện điện thoại, túi xách, ăn uống,… Thời gian hoạt động từ 15 giờ đến 22 giờ hàng ngày. Tuy nhiên, do địa điểm kinh doanh ít ảnh hưởng đến các phương tiện tham gia giao thông, nên những ngày cận tết, các hộ tiểu thương kinh doanh buôn bán luôn cả ban ngày.
Tình hình hoạt động của chợ đêm trong những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực, hàng hóa kinh doanh mua bán đa dạng phong phú, nhộn nhịp hơn. Tuy nhiên sức mua giảm khoảng 40 - 50% so với cùng kỳ, nên ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ đêm. Nguyên nhân do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế, nên người tiêu dùng thắt chặt trong chi tiêu, chỉ mua sắm các hàng hóa thiết yếu phục vụ gia đình trong những ngày giáp tết như: lương thực, thực phẩm,… người tiêu dùng ngoài việc tham gia mua bán trực tiếp tại chợ đêm, còn có nhiều hình thức tham gia mua bán hàng hóa trên các trang mạng trực tuyến, online, nên ảnh hưởng đến số lượng người tham gia mua bán tại chợ đêm trong những ngày giáp tết Nguyên đán 2024.
Đồng chí Nguyễn Văn Liêu cho biết thêm: thời gian qua, thành phố đã đầu tư nâng cấp tuyến đường vào khu vực chợ đêm và chỉ đạo di dời các vật kiến trúc mà các hộ dân đã lấn chiếm hai bên vỉa hè khu vực chợ đêm, để đầu tư cống thoát nước, bó lề, lát gạch vỉa hè hai bên khu vực chợ đêm (mỗi bên vải hè rộng từ 07 - 09m), hiện tại đã hoàn thành chuẩn bị đưa vào sử dụng, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các hộ tiểu thương tại chợ đêm. Đồng thời đã lắp đặt các biển cấm tải trọng xe vào khu vực chợ đêm, để hạn chế xe có tải trọng lớn chạy vào đường cấm khu vực chợ đêm, nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, mỹ quan đô thị trong khu vực.
Thời gian tới, chợ đêm vẫn tiếp tục hoạt động duy trì bình thường theo quy chế quản lý chợ đêm đã được phê duyệt. Về lâu dài, thành phố sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt tại Quyết định số 1793/QĐ-UBND, ngày 22/11/2023 của UBND tỉnh để chỉ đạo thực hiện. Trong đó có chợ đêm và phố đi bộ, khi kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, UBND thành phố sẽ triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, hiện nay thành phố chưa có quy định chung về việc sử dụng vỉa hè, lòng đường cũng như UBND tỉnh chưa ban hành mức thu phí sử dụng vỉa hè, nên còn gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố. Đồng thời thành phố đang tập trung chỉ đạo đang thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, ngày 19/10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 15/9/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường công tác chỉnh trang đô thị, trật tự xây dựng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố Trà Vinh. Tiếp tục kiến nghị UBND tỉnh xem xét chỉ đạo các sở, ngành tỉnh đề xuất UBND tỉnh ban hành các quy định về mức thu phí, sử dụng vỉa hè và các quy định có liên quan, để đủ cơ sở pháp lý triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Trà Vinh theo Đề án được duyệt.
Bài, ảnh: MỸ NHÂN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.