10/05/2021 14:00
Trong những ngày giữa tháng Tư, chúng tôi có dịp trở lại thăm vùng căn cứ kháng chiến Rùm Sóc (ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè), là một trong những địa điểm đóng quân của cơ quan Tỉnh ủy, cơ quan Tuyên huấn và Nhà in Anh Dũng (giai đoạn 1969-1974). Hình ảnh những con đường đất, những cây cầu khỉ chông chênh ngày nào đã được thay bằng những tuyến đường đal, đường nhựa, cầu bê tông được đầu tư xây dựng mới, tạo sự kết nối liên thông giữa các cụm dân cư về trung tâm xã. Đặc biệt, đời sống kinh tế của đồng bào Khmer ở Rùm Sóc phát triển rất lớn, tỷ lệ hộ nghèo trong ấp chỉ còn 1,5% và Rùm Sóc đang bắt tay vào xây dựng ấp nông thôn mới nâng cao…
Chia sẻ niềm vui trong những ngày đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnam Thmây và cả nước kỷ niệm 46 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2021), Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Năm (sinh năm 1933) ở ấp Rùm Sóc, xã Châu Điền phấn khởi cho biết: những năm kháng chiến, các ấp Rùm Sóc, Ô Mịch, Châu Hưng đều là nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng; đời sống người dân ngày đó mặc dù rất cơ cực nhưng một lòng theo cách mạng. Những năm gần đây, qua phong trào XDNTM, đời sống người dân đã phát triển rất nhiều; đường làng, ngõ xóm được xây dựng bê tông, nhựa…
Trong kháng chiến, gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng Cao Thị Năm đã có chồng (ông Đặng Văn Chẳng) và người con trai duy nhất của mẹ (anh Đặng Văn Khái) đã anh dũng hy sinh. Mẹ Cao Thị Năm tâm sự: bây giờ mẹ đã lớn tuổi, nhưng thấy người dân mình cũng như con cháu trong gia đình hiện nay đã có cuộc sống khấm khá, mẹ rất vui mừng. Khoảng 10 năm về trước, mẹ và mọi người ở đây muốn đi về xã hay huyện rất khó khăn, chỉ là đường đất, đường đal 1,5m, xe ô-tô không vào được, nên mỗi khi vận chuyển lúa, dừa đi bán rất khó khăn, còn bây giờ thì rất thuận tiện…
Là ấp có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp (diện tích canh tác lúa 132ha, sản xuất 03 vụ/năm), để thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất có hiệu quả, Rùm Sóc đã triển khai xây dựng nhiều công trình thủy lợi, đê bao kết hợp với giao thông từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư. Ông Hứa Văn Đầy, Bí thư Chi bộ ấp Rùm Sóc cho biết: do độc canh cây lúa không mang lại hiệu quả cao, nên từ năm 2015, địa phương đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất; đặc biệt là phát triển mạnh mô hình luân canh cây màu trên đất lúa kém hiệu quả và đất giồng cát, triền giồng sang trồng cây ăn trái. Hàng năm, diện tích luân canh cây màu của Rùm Sóc khoảng 70- 80ha, trong đó có gần 10ha chuyên canh cây màu; diện tích vườn cây ăn trái được nông dân phát triển rất mạnh (chủ yếu chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng dừa), đến cuối năm 2020 trên 80ha.
Đến cuối năm 2020, bình quân thu nhập của người dân ở Rùm Sóc đạt 49 triệu đồng/người/năm và năng suất lúa đạt trên 6,5 tấn/ha, tăng hơn 01 tấn/ha so với năm 2015. Cũng theo ông Hứa Văn Đầy, năm 2021, Rùm Sóc đã được tỉnh triển khai xây dựng tuyến đường nhựa chạy xuyên qua khu vực nội đồng của ấp, kết nối từ Quốc lộ 54 qua Tỉnh lộ 915 (đi qua các ấp Châu Hưng, Ô Mịch, Rùm Sóc). Tại khu vực nội đồng nơi có tuyến đường nhựa đi qua, đang được huyện quy hoạch và đầu tư hệ thống kênh bê tông nổi + trạm bơm để xây dựng cánh đồng sản xuất lúa chất lượng cao khép kín, diện tích 40ha… Với đầu tư kết cấu hạ tầng vừa đảm bảo phục vụ giao thông kết hợp xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp khép kín, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phát cho người dân vùng căn cứ kháng chiến Rùm Sóc vươn lên từ chính mãnh đất nghèo khó, kiên trung ngày nào.
HỮU HUỆ
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.