13/07/2021 07:57
Nông dân huyện Trà Cú trồng màu cho thu nhập tăng 4 lần so với trồng lúa trước đó.
Ở lĩnh vực trồng trọt, tỉnh cơ cấu lại sản xuất theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực, cây công nghiệp ngắn này; tăng tỷ trọng cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, màu thực phẩm. Các địa phương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế, điều kiện thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Tỉnh tiếp tục khuyến khích nông dân chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ổn định, quy mô lớn; khuyến khích, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, hiệu quả, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan tăng cường hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất, chất lượng cao để giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất trên 05%/năm, tỷ trọng chăn nuôi chiếm khoảng 20% trong giá trị nông nghiệp. Theo đó, tỉnh chủ trương giảm tỷ trọng đàn heo, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ; phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng gắn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm. Đồng thời, tỉnh nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi, phát triển giống chất lượng cao, giống đặc sản; khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư và liên kết, hợp tác phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học và giết mổ tập trung, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Đối với lĩnh vực thủy sản, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt từ 05%/năm trở lên; cơ cấu lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản lượng nuôi trồng lên khoảng 67%, giảm tỷ trọng sản lượng khai thác xuống còn khoảng 33%; phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản theo hướng hiệu quả, bền vững; đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi phù hợp với lợi thế từng địa phương; tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi; phát triển mạnh nuôi thâm canh mật độ cao, quy trình thực hành nuôi tốt...
Tỉnh giảm dần khai thác thủy sản nội đồng, vùng cửa sông và hải sản gần bờ, phát triển mô hình đồng quản lý nguồn lợi thủy sản ven bờ nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh đó, đẩy mạnh khai thác xa bờ, đầu tư cải hoán và đóng mới tàu công suất lớn, hiện đại hóa trang thiết bị chế biến, bảo quản trên tàu nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch để tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tỉnh Trà Vinh tổ chức lại sản xuất trên biển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi giữa khai thác - cung ứng dịch vụ hậu cần và thu mua trên biển - chế biến thủy sản, gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi; đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ hậu cần nghề cá để phát triển bền vững ngành khai thác hải sản. Ngoài ra, khuyến khích các cơ sở chế biến thủy sản áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo các tiêu chuẩn; nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để giảm tỷ lệ tổn thất và nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu.
Về lĩnh vực lâm nghiệp, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 02%/năm; trồng mới 860ha rừng tập trung, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng dự kiến đến cuối năm 2025 đạt 4,2%; khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình trồng rừng kết hợp nuôi thủy sản; phát triển các mô hình quản lý rừng dựa vào cộng đồng; phát triển du lịch gắn với rừng…
Ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực hiện chuyển đổi và cơ cấu lại nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, từ năm 2017 đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh chuyển dịch đúng hướng, giảm cơ cấu ngành nông nghiệp và tăng cơ cấu ngành thủy sản, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu. Giá trị sản xuất/ha đất trồng trọt đạt 130 triệu đồng/năm, tăng 13,3 triệu đồng/ha so với năm 2016; giá trị sản xuất thu được trên 01ha đất nuôi trồng thủy sản năm 2020 đạt 360 triệu đồng, tăng 103 triệu đồng so với năm 2016.
Đặc biệt, theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, chương trình tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2017-2020, các địa phương trong tỉnh đã chuyển đổi 10.647ha trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm khác, cây ăn trái, cây dừa kết hợp với nuôi thủy sản và hầu hết cho hiệu quả tăng từ 1,22 - 7,63 lần so với trồng lúa trước đó.
Bài, ảnh: THANH HÒA
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.