18/03/2021 10:16
“Bánh tét thịt trứng muối” Cô Hường là 01 trong 30 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP năm 2019, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Theo ông Phạm Minh Truyền, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ năm 2014 đến nay, thực hiện chuyển đổi tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đúng với hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả quan trọng. Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành chuyển dịch đúng hướng, giảm cơ cấu nông nghiệp và tăng cơ cấu thủy sản phù hợp với định hướng và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nếu như năm 2013, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 73,01%, lâm nghiệp 1,12%, thủy sản 5,87%; thì cuối năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 59,07%, lâm nghiệp 1,08%, thủy sản 39,84%. Giai đoạn này, tình hình thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi xảy ra diện rộng, diễn biến phức tạp, biến động của thị trường, kéo theo nhiều mặt hàng nông sản chủ lực giảm giá..., nhưng nhờ tập trung chỉ đạo khắc phục kịp thời, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, phát triển cây con giống mới và cơ giới hóa... ngành nông nghiệp giữ mức tăng trưởng.
“Điểm sáng” đầu tiên, từ năm 2014 đến nay, tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt tăng, một số mặt hàng có mức đóng góp cao cho tăng trưởng như: lúa, rau, củ, quả, trái cây, dừa; giá trị sản xuất đất trồng trọt năm 2020 đạt 130 triệu đồng/ha/năm, tăng 21,82 triệu đồng so với năm 2013. Cơ cấu giá trị sản xuất trồng trọt thay đổi theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng có lợi thế và giảm mạnh đối với sản xuất hiệu quả thấp: nhóm cây lương thực 48,28% năm 2013 giảm còn 38,5% vào cuối năm 2020; nhóm cây công nghiệp hàng năm từ 8,59% xuống còn 8,17%; nhóm màu thực phẩm tăng từ 22,45% lên 26,32%; nhóm cây lâu năm tăng từ 2,42% tăng lên 27,01%.
Để đạt các chỉ tiêu trên, tỉnh chỉ đạo duy trì và phát triển một số vùng sản xuất tập trung ổn định, quy mô lớn như: vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung theo tiểu vùng ngọt và ngọt hóa; hình thành một số vùng chuyên canh tập trung sản xuất cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày; xây dựng một số mô hình hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, từng bước nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; xây dựng và duy trì 26 nhãn hiệu nông sản; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao phát triển; cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mở rộng ở các khu sản xuất. Từ năm 2014 đến nay, thực hiện chuyển đổi 24.017ha đất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác, cây ăn trái, cây dừa và kết hợp với nuôi thủy sản tăng từ 1,22-7,63 lần so với trước khi chuyển đổi; cải tạo vườn tạp, giồng tạp chuyển sang trồng màu hơn 100ha; chuyển 1.850ha mía sang trồng lúa, hoa màu, trồng cỏ nuôi bò, cây ăn trái và nuôi thủy sản, năng suất, chất lượng đều tăng qua các năm.
Ở lĩnh vực này, tăng rõ nhất là lúa, diện tích gieo trồng tuy hàng năm giảm, nhưng sản lượng vẫn đạt từ 1,1-1,2 triệu tấn (đạt Nghị quyết đề ra), riêng 02 năm 2016 và 2020, do khô hạn, mặn xâm nhập nên đạt dưới 01 triệu tấn/năm). Thực hiện nhiều mô hình cánh đồng lớn, liên kết tiêu thụ sản phẩm, sản xuất lúa, liên kết từ đầu vào đến thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện có 15.880 cơ sở tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn, tăng 2.190 cơ sở so với năm 2013; khoảng 36.383 lao động, tăng 9.526 lao động so với năm 2013, tạo giá trị sản lượng 3.273 tỷ đồng, tốc độ giá trị sản xuất trung bình hàng năm 8,9%. Đồng thời, bảo tồn và phát huy 13 làng nghề, với 4.397 hộ tham gia (có 07 doanh nghiệp, 26 tổ hợp tác, 04 hợp tác xã), các làng nghề duy trì và sản xuất ổn định, tổng doanh thu đạt 770,2 tỷ đồng, giải quyết 10.080 lao động (lao động thường xuyên 4.403 người, lao động thời vụ 5.677 người), thu nhập bình quân từ 03-3,5 triệu đồng/tháng/người. Tỉnh chỉ đạo thực hiện đề án tuyển chọn và xây dựng quy trình canh tác một giống tre, trúc, tầm vông làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiểu thu công nghiệp huyện Trà Cú làm điểm để nhân rộng. |
Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và cơ giới hóa luôn được quan tâm thực hiện, cuối năm 2020, tỷ lệ sử dụng nhóm giống chất lượng cao trên 63% diện tích (tăng 03% so với năm 2013); tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận, áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” sản xuất lúa theo phương pháp SRI đạt 80% diện tích (tăng 07% so với năm 2013); cơ giới hóa được áp dụng gần 100% khâu làm đất, bơm nước, thu hoạch, 60-70% khâu gieo sạ, phun thuốc, sấy lúa bằng cơ giới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa, gạo, giảm chi phí cho nông dân.
Tiếp theo là lĩnh vực cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày và cây hàng năm khác chuyển đổi diện tích giữa các cây trồng phù hợp với thị trường và thích ứng với biến đổi khi hậu, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, giống mới và một số cây trồng mới: dưa lưới, dư lê, khoai lang Nhật...; áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng phù hợp với điều kiện sản xuất và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Giai đoạn 2014-2020, diện tích gieo trồng bình quân 52.830ha/năm, sản lượng đạt 1,52 triệu tấn/năm.
Về cây lâu năm, giá trị sản xuất giai đoạn 2014-2020 là 27,01%. Từng bước sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh, phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao, sử dụng các giống mới và áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới nâng cao năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường. Hàng năm, cải tạo, trồng mới khoảng 1.000ha, nâng tổng số cây lâu năm đến cuối năm 2020 đạt 42.238ha, tăng 6.868ha so với năm 2013. Năng suất bình 13-14,5 tấn/ha; tổng sản lượng cây lâu năm của năm 2020 đạt 577.760 tấn, tăng 134.150 tấn so với năm 2013. Đã cấp 53 mã số vùng trồng cho 05 loại cây ăn trái tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái cây của tỉnh.
Đặc biệt, Chương trình OCOP, tỉnh đã triển khai Đề án phát triển mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm, giai đoạn 2018-2019 có 30 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (27 phản phẩm đạt 03 sao, 03 sản phẩm đạt 04 sao), đang tiến hành khảo sát các sản phẩm có tiềm năng 05 sao, đăng ký sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN
Năm 2023, chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Trà Vinh xếp thứ 07 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tiếp tục nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, đạt mục tiêu đề ra. Đây là kết quả đáng ghi nhận, phản ánh sự nỗ lực và cam kết của tỉnh Trà Vinh trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) và tăng cường sức mạnh kinh tế.